Chiều 19/7, thấy trời nắng gắt không gợn gió, hướng Tây xuất hiện đốm mây đen bất thường, kinh nghiệm 40 năm đi biển giúp vợ chồng anh Dương Văn Minh đoán được sắp có dông lớn.

Ngư dân Hạ Long chằng néo tàu thuyền, sẵn sàng ứng phó bão Wipha Sáng 21/7, hàng trăm ngư dân tại cảng Cái Xà Cong (Quảng Ninh) đã neo đậu tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn, đồng thời gia cố và chằng néo tài sản, sẵn sàng ứng phó với bão Wipha.

Ngồi trong khoang con thuyền đánh cá nhỏ của gia đình, đang neo đậu tránh bão số 3 Wipha ở cảng Cái Xà Cong (phường Hà Phong, bên bờ vịnh Hạ Long), anh Dương Văn Minh (45 tuổi) và vợ vẫn còn nhớ như in cảm xúc bàng hoàng khi nghe tin cơn dông gió bất thường khiến con tàu Vịnh Xanh 58 lật úp vào chiều 19/7.

Trước đó hơn một tiếng, khoảng 13h vợ chồng anh vẫn đang đánh cá gần khu vực Hòn Cỏ. Thấy trời nắng gắt không gợn gió, hướng Tây xuất hiện đốm mây đen bất thường, kinh nghiệm 40 năm đi biển giúp hai người đoán biết rằng sắp có nguy hiểm và mau chóng đi về nơi trú ẩn.

“Nếu đốm đen xuất hiện chớp sáng trên đầu mây thì chỉ có mưa. Nhưng khi có chớp dưới chân mây, đốm đen di chuyển đến đâu lại kéo mây cuốn đến đó, tôi biết là sắp có dông lớn. Đi tàu từ bé, vợ chồng tôi dày dạn kinh nghiệm nên lập tức cùng các tàu khác về nơi trú ẩn an toàn”, anh Minh giải thích.

Hơn 30 phút sau khi vào bờ, một người cháu vừa ở hiện trường vào báo tin thuyền lật. Hai vợ chồng trong lòng hẫng đi một nhịp vì xót xa.

Phát hiện dấu hiệu bất thường, vợ chồng anh Minh vào cảng tránh trú từ chiều 19/7.

Sống sót nhờ kinh nghiệm

Hàng chục năm sống lênh đênh trên thuyền cá, anh Minh và vợ, chị Nguyễn Thị Sáu (42 tuổi), từng không ít lần trải qua thời tiết bất thường như vậy. Thế nhưng đây là lần đầu tiên họ chứng kiến một cơn dông gây ra tai nạn thương tâm, khiến 39 người tử vong và mất tích.

Hai ngư dân bày tỏ niềm đau xót và bàng hoàng. Anh Minh nói rằng đây là tai nạn khó có thể báo trước khi thời tiết diễn biến cực đoan. Khác với các cơn bão, người ta có thể dự đoán ngày giờ nó đổ bộ, những cơn dông thế này thường đột ngột và khó lường.

“Kinh nghiệm cứu sống chúng tôi. Nhiều lần gặp mưa dông, chúng tôi triển khai trú ẩn tại chỗ, ở gần chỗ nào thì vào đó tránh, tàu nhỏ nên chúng tôi cũng không đánh bắt quá xa. Nhưng tôi biết nhiều người ở ngoài kia không tránh được nguy hiểm”, anh bày tỏ.

Cơn dông bất thường chiều 19/7 khiến một người nhiều năm đi biển như ông Nân cũng hoảng sợ.

Neo ngay cạnh tàu của anh Minh là tàu đánh cá của ông Nguyễn Văn Nân (52 tuổi, phường Phong Hải). Từng chết hụt hai lần vì đắm tàu, ông Nân hiểu rõ nhất cảm giác của những nạn nhân đối diện “cửa tử” khi con tàu Vịnh Xanh 58 lật úp. Cơn dông bất thường chiều hôm đó cũng khiến một người dày dạn kinh nghiệm như ông hoảng sợ, dù lúc ấy đã ở nơi trú ẩn an toàn.

Thời trai trẻ, ông Nân cùng vợ thường đánh bắt ở vùng biển xa. Ông kể có khi bị sóng bão đánh tả tơi khi kéo lưới, nhưng chỉ còn chút hơi sức cũng cố vớt lại tài sản của mình.

“Năm 2000 và 2010, tôi hai lần suýt chết vì đắm tàu, may mắn được người ta cứu sống. Gần nhất là năm ngoái, gặp bão Yagi, mất liên lạc với gia đình suốt 4 ngày. Tới giờ tôi cũng sợ lắm rồi, cứ mưa dông là vào bờ tìm nơi trú ẩn, hết mưa lại ra khơi”, ông kể.

Chưa dám nghĩ đến việc lên bờ

Vợ chồng anh Minh, ông Nân và những ngư dân sẽ neo lại tại cảng cho đến khi cơn bão số 3 qua đi. Hàng trăm con tàu được chằng néo vào nhau chắc chắn, giữ cho tàu hạn chế va đập.

Ngồi dưới mái che của của con tàu đánh cá, xung quanh sắp đầy đồ đạc, chiếu chăn, vật dụng làm nghề đến sinh hoạt, chị Sáu cho biết đây là tài sản lớn nhất mà hai vợ chồng có được. Nhìn ra làn mưa trắng trời đã kéo dài suốt mấy ngày, chị nói rằng dù gió bão lớn thế nào cũng phải ở lại canh tàu, bởi “tất cả tài sản của ở đây, mình đi thì ai giữ”.

Vợ chồng anh Minh ở lại giữ tàu.

“Tàu này vợ chồng tôi mua lại của người ta cách đây 5 năm, giá 50 triệu đồng, tính cả tiền sửa chữa lại là hơn 100 triệu đồng. Nếu đóng mới, tốn cả vài trăm triệu, nên con tàu cũng là thứ đáng giá nhất của ngư dân như chúng tôi. Bão đến, ai cũng xuống tàu trông nom”, anh Minh nói.

Khi mưa bão lớn, vợ chồng anh có lúc phải thức trắng đêm để giữ đồ đạc, gia cố các dây buộc và bơm nước liên tục ra khỏi tàu.

Từ nhỏ đã theo bố mẹ đi tàu đánh cá, anh Minh – chị Sáu quen nhau rồi về chung nhà. Làm cùng nghề, cả hai thấu hiểu và đồng hành khăng khít. Đến nay, họ đã có 4 người con, hai con lớn đã đi làm. Nhưng chị Sáu nói rằng công việc đánh cá quá vất vả, thu nhập chỉ đủ sống nên không muốn con cái nối nghiệp.

Các con được gửi ở nhà bà nội, còn vợ chồng anh Minh chỉ sống trên thuyền. “Có lúc cũng muốn lên bờ để ở gần các con hơn, nhưng khó lắm. Ở tuổi của vợ chồng tôi, rời thuyền không biết có công việc gì khác, đành bám trụ lại”, anh bày tỏ.

Có nhà trên đất liền, các con cũng lần lượt ổn định công việc nhưng ông Nân cũng chưa nghĩ đến chuyện lên bờ. “Tôi làm lâu năm rồi, cũng còn sức khỏe, hơn nữa còn một đứa đang đi học cấp 3 nên phải cố gắng lo cho cháu. Tôi mừng vì các con ai cũng ngoan ngoãn, thương bố mẹ”, ông nói.

Chỉ vào con thuyền đậu ngay phía trước, ông tự hào khoe đó là món quà ông mua với giá hơn 200 triệu đồng, tặng cho con trai 25 tuổi – người duy nhất nối nghiệp bố. Suốt 4 năm qua, vợ chồng con trai thường lái thuyền đi theo bố mẹ làm nghề.

“Bà nhà tôi giờ cũng yếu hơn trước, không đi đánh bắt ở xa quá nữa”, ông Nân nói, vừa chăm chú gỡ từng đoạn lưới, thoáng nghĩ về viễn cảnh nhiều năm sau không còn những đợt đi biển cả tháng trời.