Lực lượng chức năng phường Hòa Xuân đã yêu cầu hộ kinh doanh tạm dừng sản xuất bún cho đến khi có kết quả kiểm nghiệm và cho phép của cơ quan chức năng.

Ngày 8/7, UBND phường Hòa Xuân (TP Đà Nẵng) cho hay sau khi nhận được phản ánh của người dân về việc bún tươi mua tại chợ Hòa Châu (phường Hòa Xuân) có dấu hiệu đổi màu, nghi không đảm bảo an toàn thực phẩm, phường đã chỉ đạo các bộ phận liên quan xác minh, kiểm tra.

Bún tươi đổi màu lạ tại Đà Nẵng: Cơ sở sản xuất bị đình chỉ khẩn cấp ảnh 1

Bún tươi mua về chuyển sang màu đỏ.

Theo đó, sáng ngày 6/7, hộ nhà ông Trần Hữu Đại (chồng bà Võ Thị Loan, 184 Cao Bá Đạt, phường Hòa Xuân) mua bún tươi bán lẻ tại số nhà 212 Phan Văn Đáng do bà Ngô Thị Phương bán về ăn trưa. Phần bún còn lại để đến lúc 21h05 cùng ngày thì thấy bún chuyển sang màu đỏ, gia đình để lại qua đêm. Đến sáng ngày 7/7, số bún còn lại này đã chuyển đỏ nhiều hơn, gia đình ông phản ánh đến báo chí.

Bà Phương cho biết đã lấy bún từ hộ kinh doanh Hoàng My do ông Đặng Quốc Hoàng (số 01 Trần Văn Cẩn, phường Hòa Xuân) làm chủ cơ sở để bán. Ông Hoàng xác nhận số bún trên có cung cấp cho bà Phương bán lẻ.

Qua kiểm tra, cơ sở này có Giấy chứng nhận hộ kinh doanh Hoàng My do ông Đặng Quốc Hoàng đứng tên, Giấy khám sức khỏe. Tuy nhiên, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã hết hạn (có hiệu lực đến 25/1/2025).

Lực lượng chức năng cũng đã lấy mẫu bún có màu đỏ theo phản ánh gửi đi kiểm nghiệm. Đồng thời yêu cầu hộ kinh doanh Hoàng My tạm dừng sản xuất bún cho đến khi có kết quả kiểm nghiệm và cho phép của cơ quan chức năng.

Bún tươi đổi màu lạ tại Đà Nẵng: Cơ sở sản xuất bị đình chỉ khẩn cấp ảnh 2

Nước ngâm bún cũng chuyển sang màu hồng.

Như Tiền Phong đã thông tin, ngày 6/7, nhà bà Loan đến chợ Hòa Châu mua 15.000 đồng bún tươi về ăn. Cả nhà bà ăn một phần và để lại một phần cho con. Phần bún này được đặt trong rổ nhựa, cất ở nơi khô thoáng. Đến tối cùng ngày nhiều sợi bún chuyển từ màu trắng sang màu đỏ, sợi bún mềm. Sáng hôm sau toàn bộ số bún cũng đổi màu.

Những ngày qua, một bài đăng trên diễn đàn mạng xã hội tại Đà Nẵng đã thu hút sự chú ý của dư luận khi phản ánh việc cá biển có màu sắc bất thường, giống như bị nhuộm phẩm.

Tiểu thương chợ Cẩm Lệ – TP Đà Nẵng nói về “cá biển đổi màu đỏ như phẩm nhuộm”

Bài viết kèm hình ảnh được đăng sáng 6-7. Trong đó, người đăng cho biết vào khoảng 10 giờ tại chợ Cẩm Lệ, người này thấy một tiểu thương bày bán cá kè và cá bã trầu có màu đỏ lạ.

Sau khi mua 2 con cá kè với giá 50.000 đồng mang về, người này phát hiện nước rửa cá có màu đỏ như phẩm nhuộm. Thậm chí, nước luộc cá cũng chuyển sang màu đỏ đậm.

Phản ánh của người dân trên mạng xã hội về “cá biển đổi màu” mua tại chợ Cẩm Lệ

Người phản ánh còn cho biết đến 11 giờ 20 cùng ngày, khi quay lại chợ thì vẫn thấy 2 mẹt cá với màu sắc không thay đổi, dù đang để dưới trời nắng nóng. Khi được hỏi, người đàn ông bán cá cho biết đây là “cá lưới”.

Ngày 8-7, phóng viên đã đến chợ Cẩm Lệ tìm hiểu và tiếp xúc với tiểu thương tên Vũ – người bán cá được cho là liên quan phản ánh nêu trên. Anh Vũ xác nhận các loại cá được nhắc đến là do anh bán, đồng thời quả quyết không có chuyện sử dụng phẩm nhuộm độc hại.

Theo lời anh Vũ, trong điều kiện thời tiết nắng nóng, cá bã trầu và cá kè thường bị bạc màu, trông kém tươi, khiến người mua e ngại.

Do đó, một số tiểu thương đã sử dụng nước ngọt có màu, cụ thể là loại nước dâu đỏ của nhãn hiệu Sting, để rửa qua nhằm giúp cá có màu sắc bắt mắt hơn.

“Đó không phải là hóa chất độc hại gì cả. Nước ngọt này vẫn dùng để uống, chỉ rửa nhẹ cho cá trông tươi hơn thôi. Nếu cá bạc màu quá thì khách không chọn mua. Hơn chục năm nay, nhiều người vẫn làm vậy, cá vẫn qua kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa ai bị ngộ độc hay phản ánh vấn đề gì nghiêm trọng về sức khỏe” – anh Vũ khẳng định.

Theo anh Vũ, nguồn cá anh bán mỗi ngày đều được mua từ cảng Thọ Quang, TP Đà Nẵng; bảo đảm là cá biển tươi. Việc anh sử dụng nước có màu chỉ nhằm mục đích thương mại để dễ tiêu thụ hơn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.