Thảm kịch lật tàu du lịch Vịnh Xanh 58 chiều 19.7 không chỉ để lại nỗi đau khôn nguôi cho các gia đình mất người thân, mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh về công tác đảm bảo an toàn du lịch trên vịnh Hạ Long – di sản thiên nhiên thế giới.

Không thể tin nổi, một bi kịch tang thương đã xảy ra trên di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Trong 49 người trên tàu, chỉ 10 người sống sót. Hai nạn nhân đến nay vẫn còn mất tích. Tai nạn xảy ra quá nhanh, khi thời tiết chuyển xấu đột ngột, giông lốc nổi lên, mưa đá đổ xuống và tàu lật úp chỉ trong vài phút. Hiện trường lúc đó chỉ cách bờ vài cây số.

Để những giọt nước mắt không còn rơi trên vịnh Hạ Long  - Ảnh 1.

Thảm kịch lật tàu trên vịnh Hạ Long đã cướp đi sinh mạng của hàng chục khách du lịch

ẢNH: N.D

Vẫn biết thảm họa do thiên tai gây ra là bất ngờ, khó phòng tránh, nhưng không vì thế mà chúng ta bỏ qua một thực tế là có một lỗ hổng lớn trong khâu quản lý an toàn cho du khách. Tại sao tàu vẫn được cấp phép rời bến khi cơ quan khí tượng đã cảnh báo thời tiết nguy hiểm? Vì sao đến khi xảy ra sự cố, danh sách hành khách vẫn chưa được xác nhận đầy đủ, gây khó khăn cho việc cứu hộ, xác minh nạn nhân và chi trả bảo hiểm?.

Thêm những câu hỏi đặt ra, có hay không việc các cơ quan chức năng và chủ doanh nghiệp chủ quan trong đánh giá rủi ro? Các cơ quan chức năng có thực hiện đủ quy trình kiểm tra phương tiện? Người điều khiển phương tiện có được trang bị kiến thức, quy trình xử lý tình huống nguy hiểm trên biển, hay chỉ dựa vào kinh nghiệm cá nhân?…

Để những giọt nước mắt không còn rơi trên vịnh Hạ Long  - Ảnh 2.

Nỗi đau quá lớn đối với người thân trong thảm họa lật tàu trên vịnh Hạ Long

ẢNH: N.T

Được biết, mỗi năm có khoảng 1.000 tỉ đồng tiền phí tham quan chảy vào tài khoản của Ban quản lý vịnh Hạ Long. Đơn vị này hằng năm tổ chức không ít cuộc diễn tập cứu hộ cứu nạn với quy mô lớn, phương tiện hiện đại, nhưng khi tai nạn thực sự xảy ra, ngay gần bờ, chỉ cách đất liền vài cây số, họ dường như lúng túng, vắng bóng, chậm trễ và thiếu phản ứng chuyên nghiệp.

Đã đến lúc, tỉnh Quảng Ninh, cũng như các cơ quan chức năng phải nhìn thẳng vào sự thật, đó là vịnh Hạ Long một trong những điểm đến hàng đầu cả nước đang thiếu một hệ thống kiểm soát rủi ro tương xứng với danh tiếng và lưu lượng khách khổng lồ mà nơi này tiếp đón mỗi năm. Những vụ tai nạn hàng hải, dù lớn hay nhỏ, vẫn xảy ra trong nhiều năm qua trên vùng vịnh xinh đẹp này. Và lần này, hậu quả là quá thảm khốc.

Các lực lượng chức năng, đặc biệt là Công an và PCCC cứu hộ cứu nạn tỉnh Quảng Ninh đã rất nỗ lực, căng mình tìm kiếm các nạn nhân trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Nhưng rõ ràng, chúng ta cần một cơ chế ứng phó chuyên nghiệp, đồng bộ và bài bản hơn.

Hơn ai hết, tỉnh Quảng Ninh cần phải chủ động rà soát lại toàn bộ hoạt động vận tải khách du lịch trên vịnh Hạ Long. Từ điều kiện kỹ thuật của tàu thuyền, năng lực của thuyền viên, đến việc huấn luyện xử lý tình huống khẩn cấp cho cả nhân viên và hành khách.

Bên cạnh đó, cần ứng dụng công nghệ nhiều hơn trong quản lý phương tiện, kiểm tra dự báo thời tiết, cảnh báo tự động, và giám sát hành trình theo thời gian thực. Một vịnh Hạ Long thông minh không chỉ đẹp mà còn an toàn là điều chính quyền địa phương phải làm được.

Mỗi giọt nước mắt của người thân nạn nhân là lời nhắc nhở đau đớn. Mỗi thân tàu chìm là một hồi chuông cảnh báo. Chúng ta không thể để những tai nạn như thế tiếp diễn.