Xe máy chạy bằng xăng, dầu sẽ bị cấm tại nhiều khu vực trung tâm, vùng lõi của Hà Nội từ ngày 1/7/2026.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa yêu cầu TP Hà Nội thực hiện các biện pháp để tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xe chạy bằng xăng, dầu) lưu thông trong Vành đai 1.

Xe máy xăng sẽ bị cấm ở khu vực nội đô, vùng lõi của Hà Nội

Theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường Vành đai 1 sau khi hoàn thành sẽ khép kín khu vực nội đô, vùng lõi của thủ đô.

Các tuyến đường, phố này gồm Trần Khát Chân (ngã ba Trần Khát Chân Nguyễn Khoái) – Đại Cồ Việt – Xã Đàn – Ô Chợ Dừa – Đê La Thành – Hoàng Cầu – Đê La Thành – Cầu Giấy – đường Bưởi – Lạc Long Quân – Âu Cơ – Nghi Tàm – Yên Phụ – Trần Nhật Duật – Trần Quang Khải – Trần Khánh Dư – Nguyễn Khoái.

Vành đai 1 chạy qua địa bàn các quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa (cũ). Vành đai này cũng là trục chính đô thị kết nối từ Đông sang Tây, đi qua khu vực trung tâm của Hà Nội với tổng chiều dài 7,2km.
Hà Nội sẽ cấm xe máy xăng ở những tuyến phố nào? - 1Khu vực hồ Gươm sẽ không còn xe máy xăng trong thời gian ngắn tới (Ảnh: Hữu Nghị).

Vành đai 1 của Hà Nội vẫn chưa được khép kín, đoạn từ Hoàng Cầu tới Voi Phục đang thi công và đã chậm tiến độ nhiều lần.

Theo quy hoạch, Hà Nội có 7 đường vành đai, trong đó Vành đai 4 đang thi công và Vành đai 5 chưa hình thành. Trong 5 tuyến vành đai còn lại gồm Vành đai 1, 2, 2,5, 3, 3,5, có Vành đai 3 đã hoàn thiện, còn lại đều đang xây dựng hoặc chờ dự án.

Hà Nội sắp thực hiện vùng phát thải thấp

Hà Nội hiện có hơn 8 triệu phương tiện, trong đó hơn 1,1 triệu ô tô, khoảng 6,9 triệu xe máy. Số xe máy đã sử dụng trên 10 năm chiếm hơn 72% làm gia tăng mức phát thải chất độc hại vào không khí nếu các xe cũ không được bảo dưỡng thường xuyên.

Tháng 12/2024, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết thực hiện vùng phát thải thấp (LEZ), có hiệu lực từ 1/1/2025.

Theo đó, trong giai đoạn 2025-2030, Hà Nội sẽ thí điểm chính sách này tại quận Hoàn Kiếm, Ba Đình và khuyến khích nhân rộng sang các địa bàn khác. Sau năm 2031, việc thực hiện vùng LEZ sẽ là bắt buộc tại các khu vực có nguy cơ cao.
Hà Nội sẽ cấm xe máy xăng ở những tuyến phố nào? - 2Việc cấm phương tiện chạy bằng xăng dầu sẽ được mở rộng theo từng giai đoạn (Ảnh: Mạnh Quân).

Những vùng LEZ sẽ áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo môi trường như cấm lưu thông các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel; hạn chế hoặc cấm ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và mô tô, xe gắn máy không đáp ứng tiêu chuẩn đi vào vùng LEZ theo thời điểm hoặc khu vực.

Sau khi HĐND TP Hà Nội thông qua nghị quyết lập vùng LEZ, thành phố đã làm việc với các nhà sản xuất phương tiện để có chương trình giảm thiểu xe máy xăng vào vùng LEZ.

Tại buổi làm việc với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) vào giữa tháng 6 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng phát triển xe máy là một thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của các đô thị. Tại Việt Nam, đặc biệt là các đô thị lớn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề do xe máy mang lại dù xe máy mang lại tiện lợi cho người dân.

Theo ông Thanh, việc sử dụng xe máy là một văn hóa của Việt Nam, vì thế việc chuyển đổi xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch cần có lộ trình. Tuy nhiên, nếu không quyết tâm thì không biết khi nào Hà Nội mới phát triển đô thị văn minh, sạch đẹp như các nước trên thế giới.

Từ năm 2017, HĐND TP Hà Nội đã ban hành nghị quyết thông qua Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch này tại khu vực nội thành với các bước tiến hành cụ thể được cân nhắc kỹ lưỡng.

Ngoài việc hỗ trợ người dân chuyển đổi xe xăng sang xe điện, Hà Nội đang tập trung nguồn lực hoàn thiện mạng lưới phương tiện giao thông công cộng.

Đặc biệt, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Nhật Bản, Liên minh Châu Âu đang hỗ trợ TP Hà Nội phát triển hệ thống giao thông công cộng. Theo lộ trình giai đoạn 2030-2035, TP Hà Nội sẽ xây dựng khoảng 10 tuyến đường sắt đô thị.