Cử tri tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình đồng tình cao với việc sáp nhập 2 địa phương, đồng thời có một số đề nghị đối với cấp có thẩm quyền.

Ngày 23/4, nguồn tin của PV Dân Việt từ Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị cho biết, đã tổng hợp kết quả lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình và kết quả biểu quyết của Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp về Đề án thành lập tỉnh Quảng Trị trên cơ sở hợp nhất tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã của tỉnh Quảng Trị.
98,76% cử tri tỉnh Quảng Trị đồng ý với phương án sáp nhập với tỉnh Quảng Bình. Trong khi đó, tỷ lệ này với tỉnh Quảng Bình là 97,9%. Ảnh: Ngọc Vũ.
Theo đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 177.406 cử tri, trong đó có 172.811 cử tri tham gia ý kiến về Đề án thành lập tỉnh Quảng Trị trên cơ sở hợp nhất tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị. Kết quả, có 170.668 cử tri đồng ý, đạt tỷ lệ 98,76%.

Cử tri nhiều địa phương trong toàn tỉnh Quảng Trị có ý kiến đề nghị căn cứ điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của bộ máy chính quyền, đề nghị chính quyền của tỉnh Quảng Trị (sau hợp nhất) xem xét bố trí tỷ lệ hợp lý số lượng cán bộ, công chức, viên chức làm việc đồng thời tại trụ sở hành chính của tỉnh Quảng Trị hiện nay và tại trung tâm hành chính – chính trị của tỉnh sau hợp nhất (thành phố Đồng Hới) để đảm bảo công tác quản lý nhà nước tại địa bàn Quảng Trị và giảm bớt khó khăn việc đi lại, sinh hoạt của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, giảm áp lực đầu tư nâng cấp, cải tạo trụ sở mới trong giai đoạn đầu hợp nhất.

Bên cạnh đó, đề nghị ban hành mới một số chính sách đặc thù của địa phương phù hợp với quy định của Trung ương để hỗ trợ cho cán bộ, công chức phải chuyển công tác xa nhà như chính sách nhà ở công vụ, nhà ở xã hội, hỗ trợ chi phí đi lại… nhằm động viên cán bộ, công chức yên tâm công tác trong điều kiện mới.
Sáp nhập tỉnh Quảng Trị với Quảng Bình được cử tri 2 tỉnh đồng tình cao. Ảnh: Ngọc Vũ.
Đề nghị chính quyền của tỉnh Quảng Trị (sau hợp nhất) có chủ trương nghiên cứu xây dựng Trung tâm hành chính – chính trị mới có vị trí phù hợp, đảm bảo cân bằng, hài hòa về mặt không gian; tối ưu hóa chức năng lãnh đạo chính trị, quản lý hành chính nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ công; đồng thời làm trung tâm tạo động lực cho việc phát triển các đô thị vệ tinh; đảm bảo phát triển kinh tế xã hội lâu dài, bền vững, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.

Trước đó ngày 22/4, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình có báo cáo nhanh số 1091 về kết quả lấy ý kiến nhân dân trong việc sắp xếp đơn vị hành chính. Kết quả đã có 97,9% cử tri đồng thuận với phương án hợp nhất tỉnh Quảng Bình với Quảng Trị để thành lập tỉnh Quảng Trị mới.

Việc sáp nhập Quảng Bình và Quảng Trị là một bước đi chiến lược nhằm tạo ra động lực phát triển mới, khai thác tối đa lợi thế hai tỉnh và khu vực.

Tỉnh Quảng Trị mới sẽ có diện tích khoảng 12.700km2, dân số khoảng 1,8 triệu người, có 78 đơn vị hành chính cấp xã (69 xã, 8 phường, 1 đặc khu).