Bỏ ba năm học ở Ngoại thương, Thuận An du học Singapore rồi trúng học bổng thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) từ 4 trường top đầu thế giới, ở tuổi 29.

An, người Phú Yên, nhận tin gần như cùng lúc vào cuối tháng 12. Trong 4 trường, INSEAD tại Pháp ở vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng trường MBA tốt nhất thế giới của QS. Ba trường còn lại là trường Kinh doanh London (LBS) ở vị trí thứ ba, Đại học Cambridge hạng 8 và Oxford xếp hạng 9.

Thuận An chọn trường Kinh doanh London, Anh, nơi cấp học bổng 100% học phí, tương đương 115.000 GBP (hơn 3,5 tỷ đồng). Các trường còn lại cấp cho cô mức 25-50%.

“LBS hấp dẫn mình hơn vì chương trình học được thiết kế linh hoạt và cơ hội kết nối, trải nghiệm, phát triển toàn diện về sau”, Thuận An nói, cho biết Anh cũng là điểm đến mơ ước của cô từ lâu. Cô sẽ lên đường nhập học vào tháng 5 tới.

Quàng Thị Thuận An. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Quàng Thị Thuận An. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thuận An là cựu học sinh trường THPT Phan Đình Phùng, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Khao khát du học từ nhỏ nhưng hết cấp ba, An chưa thể thực hiện, một phần vì gia đình không mấy dư dả, bố làm công nhân, mẹ là giáo viên về hưu. Cô sau đó đỗ Đại học Ngoại thương TP HCM, theo đuổi ngành Tài chính quốc tế.

Dù vậy, sang năm thứ ba, An vẫn đau đáu chuyện du học. Biết đến chính sách cho vay của chính phủ Singapore dành cho sinh viên quốc tế, An xin nghỉ ở Ngoại thương và ứng tuyển Đại học Quản lý Singapore (SMU).

“Đó là điểm dồn sau nhiều năm mình quan sát hành trình mọi người xung quanh chạm đến ước mơ của họ. Mình cũng muốn vậy, và ý tưởng này đã nung nấu từ lâu”, Thuận An chia sẻ.

Sang Singapore vào tháng 8/2016, Thuận An cầm theo 16 triệu đồng mượn của người dì, cùng một valy đồ đạc. Sau khi trừ học bổng và hỗ trợ, cô còn phải vay nợ 50.000 SGD (khoảng 920 triệu đồng). May mắn, Singapore quy định khoản này có thể trả trong 20 năm sau tốt nghiệp, nên Thuận An không quá lo lắng.

Thuận An vừa đi học, vừa làm thêm nhiều công việc như trợ giảng, nhân viên thư viện, phòng gym. Nhờ nỗ lực và sự hỗ trợ từ cộng đồng sinh viên Việt Nam như trao đổi sách vở, tài liệu, tìm chỗ ở, An dần ổn định cuộc sống.

Sau khi tốt nghiệp năm 2020, An trở thành quản lý mảng kinh doanh tại một công ty tư vấn giải pháp phần mềm và trả hết nợ học phí trong gần hai năm. Hiện tại, cô làm việc cho một công ty có trụ sở tại Mỹ, chuyên cung cấp nền tảng kết nối và bảo mật trên không gian mạng. Vì đặc thù công việc, cô gái người Phú Yên tiếp xúc với nhiều lãnh đạo cấp cao, cũng như nắm bắt được những vấn đề khi vận hành bộ máy của doanh nghiệp. Trong đó, nhiều khó khăn xuất phát từ việc định hình tầm nhìn chiến lược, vận dụng đúng phương pháp và đặt nhân sự vào vị trí phù hợp. Điều khiến An trăn trở là làm sao dung hòa giữa các công cụ và quản lý nhân sự để phát triển hiệu quả và bền vững.

“Mình muốn sau này được đặt bản thân vào vị trí của các nhà lãnh đạo như vậy và tạo ra những thay đổi có ý nghĩa. Việc trang bị kiến thức nâng cao, tư duy, và kinh nghiệm quản trị là điều tất yếu”, Thuận An lý giải việc từ bỏ công việc có thu nhập tốt để học MBA.