Được thừa hưởng truyền thống nghệ thuật của gia đình, năm 17 tuổi, Văn Báu được tuyển vào làm diễn viên ca múa của Đoàn nghệ thuật Tổng cục Hậu cần. Sau đó, một bộ phận diễn viên ca múa nhạc tách ra chuyển về bộ đội Trường Sơn, lập thành Đoàn văn công Trường Sơn, phục vụ trực tiếp ngoài mặt trận.

NSƯT sinh trưởng tron gia đình có 3 Nghệ sĩ Nhân dân, bị lầm là công an ngoài đời - Ảnh 2.

NSƯT Văn Báu (ngoài cùng bên trái) trong một bộ phim. Ảnh: VTV

Những năm tháng ở Trường Sơn đã rèn luyện Văn Báu trở thành một người lính thực thụ, cùng sống, chiến đấu với bộ đội Trường Sơn ở các cung đường, binh trạm, các trọng điểm ác liệt, để đem lời ca tiếng hát động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội ta. Sau giải phóng 1975, Đoàn văn công Trường Sơn chuyển ra Bắc. Do bị sức ép bom, sức khỏe giảm sút, năm 1980, ông xin chuyển ngành về làm phát thanh viên cho Đài PT-TH Thành phố Hải Phòng. Đến năm 1995, ông xin nghỉ chế độ.

Văn Báu bén duyên vào điện ảnh cũng rất tình cờ. Số là năm 1992, đạo diễn Nguyễn Văn Thu ở Điện ảnh Công an nhân dân làm bộ phim tốt nghiệp có tên Câu chuyện người tù. Khi tìm diễn viên vào vai một thiếu úy quản giáo, mà tìm mãi không được, về Hải Phòng ông được giới thiệu đến Văn Báu, thế là thành công, vai diễn được nhiều người khen. Từ đó, máu nghề lại nổi lên, Văn Báu ngoặt sang lĩnh vực điện ảnh, dù có hơi muộn màng.

Bây giờ, sau gần 30 năm hoạt động điện ảnh, Văn Báu đã tham gia hàng trăm bộ phim, đến nỗi ông không thể nhớ hết các phim và vai diễn của mình. Ông kể đã thử sức ở tất cả các đề tài, từ tâm lý xã hội, lịch sử, chiến tranh và về lực lượng Công an… và thực sự các vai diễn trong mảng phim về đề tài lực lượng Công an đã làm nên tên tuổi Văn Báu.

NSƯT sinh trưởng tron gia đình có 3 Nghệ sĩ Nhân dân, bị lầm là công an ngoài đời - Ảnh 3.

NSƯT Văn Báu bị lầm là công an thật vì đóng quá đạt. Ảnh: VTV

Năm 1996, Đài Truyền hình Việt Nam triển khai series phim Cảnh sát hình sự gồm 8 phần, 40 tập. Nội dung nói về 8 vụ án khác nhau xoay quanh chủ đề phòng chống tội phạm hình sự, tội phạm ma túy, tệ nạn xã hội…

Trong phim này, Văn Báu vào vai chiến sỹ cảnh sát Chu Văn Hòa. Qua mỗi tập phim, Chu Văn Hòa lại trưởng thành dần lên, và được thăng chức đến Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm. Bộ phim ra mắt từng gây sốt người xem những năm ấy.

Cứ qua mỗi tập phim, ông lại học hỏi, hiểu thêm được những suy nghĩ, tình cảm, những nét đẹp trong tâm hồn người chiến sĩ công an. Khán giả vốn đã quen với Văn Báu trong vai diễn một cán bộ cốt cán, cần mẫn của lực lượng Công an, luôn phải đối mặt với các tình huống nhiệm vụ, thử thách đấu trí trong mỗi vụ án trên phim, bằng lối thể hiện vừa trầm tư, kiên định, vừa sáng tạo, khôn khéo, anh luôn làm vừa lòng người xem, kể cả những người trong cuộc.

Sau này, ông tiếp tục nhận vai công an trong các phim: Lời sám hối muộn màng, Trò chơi sinh tử, Bí mật những cuộc đời, Chạy án 1, Chạy án 2, Bí mật tam giác vàng… Trong phim Việt, có lẽ Văn Báu là diễn viên đóng công an nhiều nhất. Ông gây ấn tượng với hình tượng chiến sĩ công an, đặc biệt là vai thủ trưởng cơ quan điều tra trong hầu hết bộ phim đình đám suốt hàng chục năm qua, khiến nhiều người thậm chí lầm tưởng Văn Báu là công an thật.