– Giá tăng 40% trong nửa đầu năm giúp vàng đạt hiệu suất đầu tư vượt chứng khoán, gửi tiết kiệm… Chuyên gia nhận định rất khó chọn ra kênh đầu tư tiềm năng cho nửa cuối năm.

Gửi tiết kiệm, vàng, chứng khoán hay bất động sản thường được xem là những kênh đầu tư thu hút nhiều người “xuống tiền”, với mục tiêu cất giữ hay thu lời từ các khoản nhàn rỗi. Khẩu vị của nhà đầu tư cũng thay đổi trong bối cảnh thị trường tài chính biến động.

Xét từ đầu năm đến nay, vàng đang sinh lời tốt nhất trong số các kênh đầu tư.

Vàng tăng 40% trong nửa năm

Từ đầu năm, giá vàng trong nước và thế giới đã ghi nhận những biến động đáng chú ý với xu hướng tăng mạnh, phản ánh ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế vĩ mô và địa chính trị toàn cầu.

Biểu đồ giá từ đầu năm cho thấy, từ đầu tháng 1, giá vàng bắt đầu tăng đều và liên tục, đặc biệt tăng vọt từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 5. Thời điểm cao nhất, giá SJC chạm mốc 124 triệu đồng/lượng, trước khi điều chỉnh nhẹ và ổn định quanh mức 120 triệu đồng/lượng hiện nay.

Theo dữ liệu đến hiện tại, giá bán ra của vàng miếng SJC đang ở quanh 120-121 triệu đồng/lượng, nhẫn trơn ở mức 116 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới quy đổi cũng lên tới 106,4 triệu đồng/lượng.

Ngày 1/1, giá vàng miếng SJC ở mức khoảng 85 triệu đồng/lượng. Đến hết tháng 6, giá đã tăng lên vùng giá 120 triệu đồng/lượng, tức tăng khoảng 35 triệu đồng, tương đương hơn 40% chỉ trong vòng nửa năm. Tuy giá vàng thế giới cũng tăng mạnh nhưng biên độ thấp hơn và vẫn thấp hơn đáng kể so với giá SJC trong nước.

Nếu một nhà đầu tư mua vàng miếng SJC vào ngày đầu năm với giá 85 triệu đồng/lượng, sau nửa năm, họ tạm lãi gần 33 triệu đồng/lượng, tương đương gần 40%, mức sinh lời cao so với nhiều kênh đầu tư khác trong cùng giai đoạn.

Ngược lại, nếu mua vàng ở đỉnh giá khoảng 124 triệu đồng/lượng vào cuối tháng 4, và nắm giữ đến thời điểm hiện tại, người mua đã lỗ khoảng 6,2 triệu đồng/lượng. Mức lỗ chưa quá lớn, nhưng cho thấy rủi ro của việc mua vào khi thị trường tăng nóng.

Trước đó, năm 2024, thị trường vàng được các chuyên gia, nhà đầu tư đánh giá là một năm đầy biến động, mang tính cột mốc trong lịch sử với những diễn biến trước nay chưa từng có tiền lệ.

Đơn cử như việc khi giá vàng trong nước lẫn quốc tế liên tục có đỉnh kỷ lục mới, thị trường đã có những diễn biến nổi cộm. Ngân hàng Nhà nước lần đầu tổ chức đấu thầu vàng miếng sau hơn 10 năm. Người dân xếp hàng để mua vàng với mức giá “bình ổn”. Lần đầu tiên, khách muốn mua vàng phải đăng ký trực tuyến. Mặt hàng vàng miếng, vàng nhẫn trở nên khan hiếm trên thị trường…

Từ đầu năm, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng thế giới quy đổi có xu hướng tăng mạnh. Nếu đầu tháng 1, giá vàng thế giới quy đổi khoảng 81-82 triệu đồng/lượng, còn giá SJC khoảng 85 triệu đồng/lượng, thì mức chênh chỉ khoảng 3-4 triệu đồng.

Đến đầu tháng 5, khi giá vàng đạt đỉnh, giá vàng thế giới ở mức 107 triệu đồng/lượng, còn SJC vượt 122 triệu đồng/lượng – chênh lệch lên tới hơn 15 triệu đồng/lượng. Tính đến ngày hết quý II, dù giá đã hạ nhẹ, khoảng cách giữa vàng SJC và vàng thế giới vẫn hơn 10 triệu đồng/lượng.

Chứng khoán tăng gần 9% sau nửa năm

VN-Index – chỉ số đại diện cho sàn TPHCM chốt phiên giao dịch cuối tháng 6 tại 1.376 điểm, tăng 3,3% so với tháng trước và 8,6% so với đầu năm. Đây là vùng giá cao nhất của chỉ số kể từ 4/2022 đến nay.

Nửa năm qua, thị trường chứng khoán trải qua nhịp điều chỉnh mạnh và đột ngột vào đầu tháng 4 do thông báo áp thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhịp giảm này khiến VN-Index mất 17%, thủng mốc 1.100 điểm và buộc nhiều công ty chứng khoán hạ dự báo triển vọng tăng trưởng năm nay.
Đầu tư gì để tiền đẻ ra tiền nửa cuối năm? - 2