Được hỏi có thể làm gì cho Harvard, Lan Anh cho hay có thể đóng góp kỹ năng giúp giải quyết khủng hoảng truyền thông, chẳng hạn bê bối đạo văn của hiệu trưởng.

Sau bốn năm đi làm, Nguyễn Lan Anh, 27 tuổi, trúng tuyển chương trình thạc sĩ của ba trường hồi tháng 3. Cô giành học bổng của Đại học Chicago và Pennsylvania nhưng quyết định chọn ngành Lãnh đạo, Tổ chức, Khởi nghiệp trong Giáo dục của Đại học Harvard.

Theo xếp hạng năm 2024 của QS, Harvard xếp thứ 4 thế giới, học phí hơn 54.000 USD (trên 1,3 tỷ đồng) mỗi năm.

Lan Anh tốt nghiệp ngành Truyền thông, Đại học New York, Mỹ, năm 2019 và hiện làm tại phòng Phát triển và Chiến lược, Đại học Fulbright Việt Nam ở TP HCM. Sau vài năm đi làm, cô nhận ra niềm yêu thích giáo dục nên quyết định học lên thạc sĩ, với mục tiêu đỗ trường top Mỹ.

Lan Anh trong chuyến leo núi ở Nepal năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Lan Anh trong chuyến leo núi ở Nepal năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tháng 10/2023, Lan Anh bắt đầu chuẩn bị hồ sơ. Cô cho biết trong bốn trường ứng tuyển, Harvard yêu cầu phức tạp nhất, với hai bài luận. Trong bài 1.500 từ, cô nói về mục đích học giáo dục và ngành học sẽ giúp ích gì cho bản thân, công việc sau này.

Cô sinh ra trong gia đình coi trọng việc học hành, có bà là giáo sư Đại học Tổng hợp nên từ nhỏ đã quan tâm tới giáo dục. Khi làm việc ở trường, Lan Anh chứng kiến nhiều sinh viên ở các vùng khó khăn của Nghệ An, Hà Tĩnh hoặc dân tộc thiểu số nhờ được hỗ trợ tài chính đã có cơ hội đi học, ra trường công việc tốt và thay đổi cuộc sống.

Khác với học bổng căn cứ vào kết quả học tập, hỗ trợ tài chính dựa trên điều kiện kinh tế của gia đình. Tại trường đại học, văn phòng nơi cô làm việc có nhiệm vụ gây quỹ từ các công ty, cá nhân để tài trợ những sinh viên đỗ vào trường nhưng có hoàn cảnh khó khăn và cần hỗ trợ tài chính.