Thành phố Hà Nội đang nghiên cứu cơ chế hỗ trợ khoảng 450.000 xe máy chạy xăng dầu của người dân sinh sống trong vành đai 1.

Ngày 14/7, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đã thông tin về kế hoạch triển khai Chỉ thị 20 của Thủ tướng về kiểm soát ô nhiễm không khí. Theo đó, thành phố đang nghiên cứu cơ chế hỗ trợ khoảng 450.000 xe máy chạy xăng dầu của người dân sinh sống trong vành đai 1. Chính sách này dự kiến hỗ trợ gần như toàn bộ chi phí chuyển đổi như lệ phí trước bạ và phí đăng ký xe điện mới.

Song song với việc hỗ trợ chuyển đổi phương tiện cá nhân, Hà Nội cũng tập trung phát triển hạ tầng giao thông xanh. Thành phố sẽ tăng cường xe buýt điện cỡ nhỏ (8-12 chỗ) và xe điện 4 chỗ để trung chuyển nội đô tại vành đai 1. Các tuyến đường sắt đô thị như Cát Linh – Hà Đông và Nhổn – ga Hà Nội đã đi vào khu vực này, và các tuyến Hồ Tây – Hòa Lạc, Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo sẽ tiếp tục được triển khai.

Hà Nội thực hiện đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện

Thành phố cũng sẽ bổ sung quy hoạch các khu vực sạc điện cho ô tô, xe máy điện và các phương tiện sử dụng năng lượng sạch khác. Ông Tuấn cho biết, “Thành phố sẽ ưu tiên bố trí trạm sạc tại các điểm giao thông tĩnh, bãi đỗ xe và trong các tòa nhà dân cư”.

Cùng ngày 14/7, Hà Nội đã thành lập Tổ công tác liên ngành để tham mưu UBND thành phố triển khai các nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi phương tiện giao thông xanh và phát triển hạ tầng trạm sạc xe điện.

Theo Chỉ thị số 20 ngày 12/7, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội triển khai lộ trình cấm xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại khu vực trung tâm từ giữa năm 2026, đồng thời mở rộng vùng phát thải thấp trên toàn thành phố đến năm 2030.

Từ ngày 1/7/2026, xe mô tô và xe gắn máy chạy xăng dầu sẽ bị cấm lưu thông trong khu vực Vành đai 1- Ảnh minh hoạ: Đại đoàn kết

Cụ thể, từ ngày 1/7/2026, xe mô tô và xe gắn máy chạy xăng dầu sẽ bị cấm lưu thông trong khu vực Vành đai 1. Từ ngày 1/1/2028, phạm vi hạn chế mở rộng sang Vành đai 2, bao gồm cấm xe máy và hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đến năm 2030, lộ trình tiếp tục được mở rộng đến khu vực Vành đai 3.

Bên cạnh đó, chỉ thị cũng yêu cầu Hà Nội có chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện và khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng trước ngày 30/9.

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 8 triệu phương tiện, trong đó có hơn 6 triệu xe máy, gần 1,5 triệu ôtô. Ngoài ra, khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh khác cũng thường xuyên lưu thông tại Hà Nội. Tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân của thành phố là 4,5%/năm, riêng ôtô khoảng 10% nhưng tốc độ tăng hạ tầng giao thông chỉ khoảng 0,28%.