Ông Nguyễn Lộc An, cựu vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), bị tòa án đưa ra xét xử với cáo buộc đã gợi ý hai doanh nghiệp xăng dầu hỗ trợ hơn 14 tỉ đồng vì thiếu tiền đổi căn nhà to hơn, sau đó ông dùng tiền mua biệt thự.

Nguyễn Lộc An - Ảnh 1.

Cựu vụ phó Nguyễn Lộc An được dẫn giải đến tòa sáng 28-5 – Ảnh: GIANG LONG

Ngày 28-5, ông Nguyễn Lộc An bị Tòa án nhân dân Hà Nội đưa ra xét xử về tội nhận hối lộ. Đây là lần thứ hai ông bị tòa án xét xử về tội danh này.

Hôm 12-5, trong phiên phúc thẩm vụ án Xuyên Việt Oil, ông bị tòa án tuyên phạt 4 năm tù do nhận 400 triệu đồng, đồng hồ Patek Philippe.

Cùng bị đưa ra xét xử trong vụ án hôm nay, Nguyễn Tuấn Quỳnh, cựu chủ tịch HĐTV Công ty Long Hưng, bị cáo buộc đưa hối lộ.

Các bị cáo Trần Trác Việt Đức (giám đốc Công ty Bách Khoa Việt) và Đỗ Thị Tuyết Nga (kế toán trưởng) cùng bị xét xử về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Vụ án được xét xử công khai do thẩm phán Đặng Mạnh Cẩm Yến làm chủ tọa.

Vòi tiền để “mua nhà to hơn”

Theo nội dung cáo trạng vụ án, vụ phó Nguyễn Lộc An phụ trách mảng xăng dầu, khí đốt và có mối quan hệ với bà Trần Thị Loan Phương, chủ tịch HĐQT Công ty Bách Khoa Việt.

Đầu năm 2013, ông An đồng ý giúp đỡ bà Phương thành lập pháp nhân kinh doanh khí hóa lỏng, thuê cây xăng có sẵn để kinh doanh nhỏ lẻ. Hai năm sau, công ty này xin Bộ Công Thương cấp phép làm thương nhân phân phối xăng dầu.

Bộ Công Thương sau đó lập đoàn kiểm tra, giao ông An làm trưởng đoàn, đi kiểm tra điều kiện thực tế của Công ty Bách Khoa Việt.

Bà Phương đã đến gặp ông An tại nhà khách Bộ Công Thương (quận 1, TP.HCM) đưa 200 triệu đồng và nhờ giúp cấp giấy phép. Ông An nhận tiền đồng ý giúp công ty của bà Phương, cáo trạng nêu.

Đến tháng 2-2015, doanh nghiệp này được xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu.

Nguyễn Lộc An - Ảnh 2.

Một nữ bị cáo được dẫn giải đến phiên tòa

Sáu tháng sau, bà Phương đến nhà ông An (tại tòa nhà Viglacera, quận Ba Đình, Hà Nội) nhờ giúp Công ty Bách Khoa Việt được làm đầu mối kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Ông An đồng ý và nói “cứ làm đi, sẽ giúp”.

Tại cuộc gặp này, ông An “tâm sự” với nữ chủ tịch doanh nghiệp rằng đang có ý định mua một căn nhà to hơn nhưng không đủ tiền, và gợi ý bà Phương hỗ trợ tiền mua nhà.

Ngay trong tháng sau, ông An gọi điện thoại bảo bà Phương hỗ trợ 9 tỉ đồng để mua nhà, dặn chuyển vào tài khoản vợ ông tại Ngân hàng Vietcombank.

Bà Phương đã yêu cầu cấp dưới chuyển lần đầu 5 tỉ đồng vào tài khoản với nội dung tên người gửi và “Mua dat”.

Chỉ một ngày sau, cấp dưới của bà Phương tiếp tục chuyển thêm 4 tỉ vào tài khoản vợ ông An với nội dung “Mua dat lan 2”.

Sau khi chuyển tiền cho ông An, đầu năm 2016 bà Phương giao cho ông Đào Chí Kiên, giám đốc Công ty Bách Khoa Việt và ông Trần Ngọc Thành, nhân viên pháp chế, làm thủ tục, hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu.

Tuy nhiên, do chưa đủ điều kiện nên ông An hướng dẫn hợp thức các điều kiện cấp phép. Được ông An giúp đỡ, năm 2016 Công ty Bách Khoa Việt đã được cấp giấy phép.

Doanh nghiệp này sau đó có vi phạm trong việc trích lập, chi sử dụng, hạch toán quỹ bình ổn giá xăng dầu. Kết quả điều tra xác định Công ty Bách Khoa Việt phải nộp hơn 107 tỉ đồng vào ngân sách, nhưng đến nay mới nộp 1,6 tỉ và còn “nợ” hơn 105 tỉ đồng.

Dùng tiền nhận hối lộ mua biệt thự

Cũng theo cáo trạng, ngoài gợi ý bà Phương hỗ trợ tiền đổi nhà to hơn, vụ phó Nguyễn Lộc An còn gợi ý ông Nguyễn Tuấn Quỳnh hỗ trợ tiền để đổi biệt thự.

Năm 2014, ông Quỳnh đã liên hệ, nhờ ông An hướng dẫn thủ tục để có giấy phép nhập khẩu, kinh doanh dầu FO.

Ông An đồng ý giúp đỡ, dặn nộp hồ sơ sau khi Chính phủ ban hành nghị định về kinh doanh xăng dầu.

Sau khi được giúp đỡ, ông Quỳnh đến gặp ông An để cảm ơn. Giống như lần gặp với chủ doanh nghiệp trước, trong cuộc gặp này ông An kể rằng đang có nhu cầu mua nhà tại khu đấu giá Vườn Đào, quận Tây Hồ. An đề nghị ông Quỳnh hỗ trợ 10 tỉ đồng để đổi nhà.

Ông Quỳnh sau đó chuyển 10 tỉ đồng vào tài khoản của vợ ông An, cáo trạng thể hiện.

Ông Quỳnh kể với vợ việc chuyển 10 tỉ cho vụ phó và bị vợ phản đối. Chủ doanh nghiệp này sau đó đã trao đổi lại, nói chỉ “hỗ trợ” ông An 5 tỉ đồng, 5 tỉ còn lại là cho vay.

Do đó ông An đã trả lại cho ông Quỳnh 5 tỉ đồng.

Viện kiểm sát cáo buộc ông An đã nhận hối lộ tổng 14,2 tỉ đồng. Trong đó, ông nhận của bà Phương 9,2 tỉ đồng và của ông Quỳnh 5 tỉ đồng.

Theo cáo trạng, vợ chồng vụ phó Nguyễn Lộc An đã dùng 14 tỉ nhận từ chủ hai doanh nghiệp để mua căn biệt thự số 14D3 khu đất đấu giá 18,6ha tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Số tiền 200 triệu ông An khai đã sử dụng chi tiêu ăn uống sinh hoạt cá nhân hết.

Chủ doanh nghiệp chuyển cựu vụ phó 9 tỉ ‘mua nhà to hơn’ thoát tội đưa hối lộ

Theo cáo trạng, bà Trần Thị Loan Phương bị xác định có hành vi đưa hối lộ. Tuy nhiên cơ quan truy tố xác định bà đã chủ động làm đơn tố giác cựu vụ phó, đã nhận thức sai phạm khi hành vi chưa bị phát giác.

Nữ doanh nhân này được đánh giá thành khẩn, ăn năn, tích cực hợp tác làm rõ bản chất vụ án do đó được các cơ quan tố tụng miễn trách nhiệm hình sự.

Cựu thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải được cơ quan tố tụng nhận định “không biết” việc ông An nhận hối lộ, không biết 2 công ty không đủ điều kiện được cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu.

Quá trình cấp giấy phép cho 2 công ty, ông Hải không được hưởng lợi. Việc ông Hải ký giấy phép cho Công ty Bách Khoa Việt không phải nguyên nhân dẫn đến thất thoát ngân sách 105 tỉ đồng Quỹ BOG, cáo trạng nêu.

Do đó hành vi của ông Hải được viện kiểm sát nhận định “không cấu thành tội phạm”.