Theo nhà báo Nguyễn Thúc Hoàng Linh, việc cấm xe xăng dầu vào đường vành đai 1 là điều nên làm, nhưng cần có lộ trình và các giải pháp phù hợp.


Dưới đây là nội dung chương trình Trên Ghế 145 phát sóng ngày 17/7 trên HTV9.

 - Ảnh 1.
Kính thưa quý vị, chưa bao giờ cụm từ “cấm xe xăng” lại được quan tâm như bây giờ sau Chỉ thị 20/CT-TTg 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Với tư cách là một người trong nghề, theo anh, chúng ta nên hiểu điều này như thế nào?

Nhu cầu giảm phát thải là một mục tiêu rất lớn mà mọi đô thị, mọi quốc gia đều hướng đến.

Với Hà Nội, mục tiêu giảm khí thải không phải là điều mới mẻ. Nếu tôi nhớ không nhầm, lộ trình đề án cắt giảm khí thải có từ khoảng năm 2017 là liên tục được triển khai cho đến nay. Trong kế hoạch tổng thể có những hạng mục về chuyển đổi xanh, hạn chế các phương tiện phát thải sử dụng nhiên liệu hóa thạch…

Chỉ thị 20/CT-TTg 2025 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 12/7 như là một bước ngoặt của đề án đó. Khi đọc toàn bộ Chỉ thị này, chúng ta nhận thấy trong tất cả các hạng mục, việc hạn chế xe xăng dầu vào vành đai 1 (VĐ1) chỉ là một trong những việc Hà Nội phải làm.

Tuy nhiên, chúng ta nên hiểu rằng khi hạn chế xe xăng dầu vào VĐ1, người dân có thể dùng phương tiện công cộng hoặc các giải pháp giao thông khác. Điều này còn những hạn chế nhất định, nhưng quan trọng hơn, việc hạn chế xe xăng dầu không bằng với bắt buộc sử dụng xe điện. Thứ 2, với Chỉ thị này, Hà Nội sẽ phải nghiên cứu và vạch ra một lộ trình, tính khả thi và nhiều yếu tố khác để thực hiện.

 - Ảnh 2.
Bên cạnh đó sẽ cần phải có những bước về tính toán để người tiêu dùng, người dân, các nhà sản xuất, các nhà đầu tư và cả chính quyền không chịu một “cú sốc chuyển đổi”. Bởi vì, một cú sốc như vậy đi kèm những tác động đến xã hội là điều không ai mong muốn.

Về mặt thông tin, nhiều người đang hiểu rằng chắc chắn sẽ cấm xe xăng dầu vào VĐ1. Vậy thông tin chuẩn hay không, thưa anh?

Một điều có thể chắc chắn là đến thời điểm đó, Hà Nội sẽ phải đạt được những mục tiêu nhất định về cắt giảm khí thải. Cá nhân tôi cho rằng, trong trường hợp nếu các mục tiêu khác không đạt được, việc hạn chế xe xăng dầu là một trong những điều có thể phải làm.

Chúng ta có thể chưa nói đến tính khả của việc này, nhưng trên giấy tờ đây là một trong những biện pháp cho phép cắt giảm khí thải nhanh nhất. Đồng thời, đây là biện pháp trong kế hoạch chung về lâu dài. Do đó, quá trình triển khai việc này có nhiều thuận lợi về mặt chính sách.

Tuy nhiên, việc phải làm thế nào để không bị gấp gáp, không tạo ra bất cập cho người dân cũng là điều mà chính quyền Hà Nội nói riêng và Chính phủ nói chung rất quan tâm.

Nếu nhìn ở khía cạnh không gây ra cú sốc, việc hạn chế đó không mang hình thức “cấm cứng” mà có thể là cách để sử dụng những lợi ích của các loại phương tiện xanh. Ví dụ, miễn phí xe buýt có thể là một giải pháp để người dân là thay đổi thói quen sử dụng. Hoặc cơ quan chính của tôi đã chuyển xuống Hà Đông, rất nhiều người chọn đi tàu điện một cách tự nhiên chứ không phải muốn tiết kiệm chi phí.

Nếu bây giờ, các cơ quan nhà nước, trụ sở khối doanh nghiệp chuyển về những tuyến giao thông chính, người dân sẽ có nhiều lý do để đi phương tiện công cộng. Hoặc xe điện thực sự trở thành những sản phẩm tiện dụng, các hãng cung cấp giải pháp chuyển đổi pin nhanh, sạc mọi nơi, lúc đó người dùng sẽ chuyển.

 - Ảnh 3.

Honda ICON e: là một mẫu xe máy điện đang bán tại Việt Nam.

Vì thế, chúng ta không nên hiểu đây là một lệnh cấm cứng. Thay vào đó, chúng ta nên hiểu câu chuyện ở đây là làm thế nào để đến mốc thời gian đặt ra, Hà Nội có thể giảm và hạn chế phát thải.

Nếu vẫn muốn sử dụng chiếc xe xăng đang có, người dân hãy yên tâm vẫn không bị bỏ rơi. Tuy nhiên, lúc đó nếu chuyển sang các phương tiện khác sẽ có nhiều lợi ích, người dân có thể nên cân nhắc chuyển đổi.

Từ khi xuất hiện thông tin cấm xe xăng vào VĐ1, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xe máy xăng tỏ ra hoang mang. Vậy theo anh, việc cấm xe xăng vào VĐ1 có thực sự đạt hiệu quả hay gây ra cú sốc như anh nói ở trên?

Đúng là tâm lý hoang mang đang lan rộng. Chính vì thế, Hà Nội, các cơ quan chức năng, các nhà sản xuất cũng đang rất gấp rút có những giải pháp để giải quyết vấn đề này.

Chúng ta có thể thấy Hà Nội đã lập một tổ chuyên trách để giải quyết vấn đề chuyển đổi này. Theo tôi được biết, các nhà sản xuất cũng sẽ có một buổi làm việc với Chính phủ về vấn đề chuyển đổi xe điện. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể tin vào sự quyết tâm của các cấp quản lý trong việc tìm ra một giải pháp hài hoà.

Về phần mình, tôi cho rằng tâm lý lo lắng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, chúng ta không cần phải lo lắng đến mức thay đổi hoàn toàn quyết định của mình. Bởi vì, không một chính quyền, Chính phủ nào muốn tạo ra những cú sốc về mặt thị trường. Những nhà sản xuất xe xăng hiện nay đều là những doanh nghiệp FDI rất lớn tại Việt Nam và Chính phủ chắc chắn sẽ không bỏ rơi những bạn đồng hành lâu năm như vậy trong tiến trình phát triển của đất nước.

Thứ 2, chúng ta cũng phải nhìn vào thực tế khu vực bên trong VĐ1 trong định hướng lâu dài không phải là một quần thể dân cư đông đúc mà được định hướng là không gian văn hóa lịch sử, không gian du lịch. Trong bối cảnh đó, một không gian như vậy nó nên xanh sạch. Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là nơi khách du lịch, các đoàn khách quốc tế, đặc biệt là nguyên thủ quốc gia, các đối tác lớn thường xuyên đến thăm. Những cảm nhận đầu tiên luôn in sâu trong suy nghĩ, một thành phố xanh sạch đương nhiên sẽ tốt hơn một không gian bụi bặm và ồn ào.

 - Ảnh 4.
Tôi cho rằng, về định hướng lâu dài đây là một chính sách đáng ủng hộ. Chúng ta cũng có thể thoải mái, yên tâm trong việc sử dụng phương tiện cá nhân theo năng lực mua sắm cũng như nhu cầu của mình. Trong quá trình chuyển đổi, đặc biệt ở Thủ đô Hà Nội, nhu cầu của người dân chắc chắn phải được quan tâm và sẽ có những phương án hỗ trợ để người dân không bị thiệt thòi.

Ngay từ thời điểm này, người dân đang có tâm lý chuyển ngay sang xe điện để làm quen sớm. Anh nghĩ gì về điều này?

Cá nhân tôi không cho rằng xe điện là giải pháp thay thế hoàn toàn xe xăng. Đây là việc là nhiều người đang nhầm lẫn. Bởi không sử dụng nhiên liệu xăng dầu không đồng nghĩa với không sử dụng động cơ đốt trong. Ô tô hiện nay có rất nhiều giải pháp nhiên liệu mới như xăng sinh học, xăng tổng hợp, khí đốt tự nhiên… sử dụng cho động cơ đốt trong. Vì thế, xe máy đương nhiên sẽ có những giải pháp tương tự

Mặt khác, xe điện không đơn thuần là một giải pháp thay thế xe xăng theo kiểu mang tính bắt buộc. Bởi bên trong mỗi mẫu xe điện đều bao hàm nhiều công nghệ mới, nên người dùng hãy xem việc sử dụng xe điện như tiếp cận một món đồ mới. Trước đây, chúng ta chuyển từ điện thoại truyền thống sang điện thoại thông minh. Dù thích hay không thì thị trường cũng có những tên tuổi thành công như iPhone nhưng cũng có những tên tuổi thất bại như Blackberry hay Nokia.

 - Ảnh 5.
Vì thế, việc chuyển sang xe điện là một bước tiến. Nếu hào hứng với công nghệ mới ai cũng có thể cảm thấy vui lúc chuyển. Với những người chưa quen, việc này cũng giống như chuyển từ điện thoại có phím bấm sang điện thoại cảm ứng, không ai có thể thuần thục ngay được.

Nếu xe điện phù hợp với nhu cầu, đây là sự thành công. Nếu cảm thấy vẫn còn bất cập, chúng ta sẽ tìm cách điều chỉnh và làm quen dần. Về lâu dài, nếu vẫn cảm thấy xe điện không phù hợp, chúng ta có thể chọn một phương tiện khác.

Một người bạn của tôi nhà ngay cạnh VĐ1 cho biết mình không gặp vấn đề gì với Chỉ thị này. Anh ấy nói rằng nhà hiện có 2 xe máy điện, 2 ô tô điện và đã dùng được 2 năm nay nên Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ không ảnh hưởng gì. Điều này có nghĩa là người bạn này chọn xe điện vì thấy phù hợp với mình và xe có những lợi ích.

Đối với những người lớn tuổi, việc chuyển từ xe máy xăng sang xe máy điện có thể gặp khó khăn. Theo anh điều này đúng hay không?

Đối với người cao tuổi, việc thay đổi thói quen là điều khó.

Trước đây, một số chuyên gia từng đề cập việc cấm xe 2 bánh ở Hà Nội, không chỉ là xe động cơ đốt trong. Điều này sẽ tạo ra một thay đổi lớn về thói quen tiêu dùng và đời sống xã hội. Nếu điều này thực hiện được sẽ không còn hình ảnh xe 2 bánh bất ngờ tạt ngang trên đường, không có hệ thống các cửa hàng kinh doanh mặt đường. Đây cũng là một trong những biện pháp chống ùn tắc và tối ưu giao thông hiện đại hơn. Nhiều quốc gia phát triển hiện nay có rất ít cửa hàng mặt phố, nếu có chỉ mang tính trưng bày. Khi thương mại điện tử, thói quen tiêu dùng cũng thay đổi. Ở nhà tôi, các cụ hầu như không đi ra mua trực tiếp ở cửa hàng mà đặt hàng trên các sàn. Vì thế, việc thay đổi thói quen chỉ là câu chuyện của thời gian.

 - Ảnh 6.
Ở góc độ những người trẻ, chúng ta nên hỗ trợ những người già hơn trong quá trình chuyển đổi. Trước đây, họ chính là những người đã hỗ trợ chúng ta chuyển từ ăn bốc sang ăn thìa, bây giờ không có lý do gì để người trẻ không hỗ trợ người già trong việc chuyển đổi sang xe điện.

Ngoài ra, hiện các nhà sản xuất ngày càng đưa ra những giải pháp mới, tiện dụng hơn. Trên thế giới đã có những mô hình đổi pin nhanh thành công, sắp tới sẽ là Việt Nam. Trước đây có những đơn vị đã triển khai mô hình này nhưng chưa thành công vì đến quá sớm, người tiêu dùng chưa bắt kịp. Nhưng khi xe điện phát triển, mô hình này sẽ phát triển.

Ngoài ra, người trẻ có thể là người chủ động việc sạc pin cho người già. Bên cạnh đó, với những người già đã dùng điện thoại thông minh, họ đã quen với thương mại điện tử thì sẽ có thể quen được việc quản lý xe trên các ứng dụng.

Nếu có một điều gì đấy khiến cho Chỉ thị của Thủ tướng không thực hiện được đúng thời hạn, điều đó là gì, thưa anh?

 - Ảnh 7.

Người dân Thủ đô lái thử xe máy điện VinFast tại sự kiện lái thử xe

Tôi cho là chúng ta không nên nghĩ theo hướng không thành công.

Để thực hiện một chính sách thuận lợi và đạt hiệu quả cao nhất luôn cần sự đồng thuận của người dân. Đây là một yếu tố rất quan trọng. Sự đồng thuận của người dân phải đến từ việc Chính phủ phối hợp cùng các nhà sản xuất giải quyết bài toán chuyển đổi như thế nào. Bao gồm sự hỗ trợ người dân, hạ tầng phổ biến và truyền thông để người dân thấy được lợi ích của chuyển đổi.

Nếu hội tụ đủ 3 yếu tố này, chính sách này sẽ thành công. Nếu thiếu 1 trong 3, chính sách này dù có thể tới đích nhưng cũng có rất nhiều rủi ro.

Ví dụ ở góc độ kỹ thuật, nếu ép buộc một cách quá đáng, người dân sẽ có xu hướng chuyển đổi “giả tạo”. Họ sử dụng những phương tiện kém chất lượng, mang tính đối phó. Khi đó, xã hội sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề mà để giải quyết còn bất cập hơn rất nhiều.

Cảm ơn anh Linh rất nhiều vì những chia sẻ vừa rồi.