Áp thấp nhiệt đới đang hoạt động ngoài khơi Philippines được dự báo sẽ di chuyển nhanh, có khả năng mạnh lên thành bão và tiến vào biển Đông trong đêm 18/7. Khi đi vào biển Đông, hình thái này có thể tăng cấp rất mạnh nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 13h ngày 17/7, tâm áp thấp nhiệt đới đang ở trên vùng biển phía Đông Philippines, tại vị trí khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 126,9 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm đạt cấp 7 (50–61km/h), giật cấp 9. Áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 15–20km/h.
NÓNG: Áp thấp nhiệt đới đang tăng tốc rất nhanh, khả năng sẽ mạnh lên thành bão số 3 năm 2025. Ảnh: TTXVN-VNA.
Dự báo trong 24–48 giờ tới, áp thấp nhiệt đới tiếp tục giữ hướng di chuyển Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15–25km và có khả năng mạnh lên thành bão:

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông (gió mạnh từ cấp 6 trở lên) trong ngày 19/7 được xác định từ vĩ tuyến 16,5°N đến 21,0°N và kinh tuyến 117,5°E đến 120,0°E.

Cấp độ rủi ro thiên tai ở vùng biển phía Đông Bắc Biển Đông được cảnh báo ở mức cấp 3.

Trong 48–72 giờ tiếp theo, bão có xu hướng tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với vận tốc 20–25km/h và khả năng tiếp tục mạnh thêm.

Trung tâm khí tượng cho biết các mô hình dự báo cho thấy áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão có 50 – 60% khả năng di chuyển về bắc vịnh Bắc Bộ, nếu kịch bản này xảy ra, các tỉnh Bắc Bộ và khu vực Thanh Hóa, Nghệ An sẽ đón một đợt mưa lớn từ ngày 20 – 25/7.

Các chuyên gia khí tượng khuyến cáo ngư dân, tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực Bắc Biển Đông cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, chủ động phòng tránh và đảm bảo an toàn trên biển.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định diễn biến của cơn bão sẽ rất phức tạp, khó lường, do đó người dân và chính quyền các địa phương cần theo dõi sát các bản tin dự báo tiếp theo.

Nhìn về dài hạn, từ giữa tháng 7 đến tháng 10/2025, dự kiến có khoảng 6-7 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó khoảng 3 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam.

Trước đó, trong tháng 5 và 6, khu vực đã ghi nhận 2 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó bão số 1 tuy không đổ bộ trực tiếp nhưng cũng gây ảnh hưởng đáng kể.