Người dân có thể nhận biết mức hưởng, khu vực sinh sống thông qua ký hiệu trên thẻ BHYT.

Ngày 9 tháng 7 năm 2025, báo Đời sống Pháp luật đăng tải bài viết với tiêu đề “Chú ý: Xem dãy số này trên thẻ bảo hiểm y tế để biết mức hưởng, khu vực sinh sống”. Nội dung như sau:

Hiện nay, mã thẻ BHYT đã được rút ngắn từ 15 xuống còn 10 ký tự. Trong đó, mã số thẻ BHYT mới có ý nghĩa như sau: 10 ký tự này là dãy số định danh cá nhân duy nhất của người tham gia BHYT, do cơ quan BHXH cung cấp.

Mỗi dãy số sẽ được dùng cho 1 cá nhân duy nhất. Đây cũng là dãy số để cơ quan BHXH quản lý. Đồng thời, người sử dụng cũng có thể dựa vào dãy số này để tra cứu các thông tin khi tham gia BHYT của mình.

Người dân sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID, VneID khi khám chữa bệnh BHYT

Bên cạnh đó, từ 1/6/2025 ngành bảo hiểm xã hội đã không cấp thẻ bảo hiểm y tế bằng giấy cho người tham gia, mà yêu cầu sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trên các nền tảng số VssID, VNeID. Việc cấp thẻ bảo hiểm y tế bằng giấy chỉ áp dụng cho những người không thể cài đặt ứng dụng VssID, VNeID và không có căn cước công dân có gắn chip.

Vì vậy, người dân có thể tra cứu thông tin thẻ trên VssID hoặc VNeID.

Ý nghĩa chia tiết của từng dãy số trên thẻ BHYT

Thể hiện chi tiết về mức hưởng KCB BHYT

Tại Quyết định 1666/QĐ-BHXH, mức hưởng của người tham gia BHYT vẫn tiếp tục được ký hiệu theo ký tự 1, 2, 3, 4, 5. Căn cứ Quyết định 1351/QĐ-BHXH, tương ứng với từng ký tự, người tham gia BHYT sẽ được Qũy BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) theo các mức sau:

– Ký hiệu bằng số 1: Được thanh toán 100% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT và không áp dụng giới hạn tỉ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế (VTYT) và dịch vụ kỹ thuật (DVKT) theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế về danh mục và tỉ lệ, điều kiện thanh toán DVKT; chi phí vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật.

– Ký hiệu bằng số 2: Được thanh toán 100% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT (có giới hạn tỉ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, VTYT và DVKT theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế); chi phí vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật.

– Ký hiệu bằng số 3: Được quỹ BHYT thanh toán 95% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT (có giới hạn tỉ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, VTYT và DVKT theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế); 100% chi phí KCB tại tuyến xã và chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% tháng lương cơ sở.

– Ký hiệu bằng số 4: Được quỹ BHYT thanh toán 80% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT (có giới hạn tỉ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, VTYT và DVKT theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế); 100% chi phí KCB tại tuyến xã và chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% tháng lương cơ sở.

– Ký hiệu bằng số 5: Được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB, kể cả chi phí KCB ngoài phạm vi được hưởng BHYT; chi phí vận chuyển.

Ngoài việc nhận biết mức hưởng bằng các ký tự trên thẻ bảo hiểm y tế, người tham gia bảo hiểm y tế cũng có thể tra cứu trực tiếp mức hưởng của mình trên hệ thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông qua link của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Để tra cứu, người có thẻ bảo hiểm y tế nhập đầy đủ thông tin yêu cầu để được báo lại thông tin về mức hưởng và các thông tin liên quan.

Ví dụ: Họ tên: Nguyễn Thị A, Ngày sinh…, Thẻ có giá trị sử dụng: Từ ngày 1/1/2025 đến ngày 31/12/2025.

Quyền lợi: Được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 80% chi phí khám chữa bệnh thuộc phạm vi chi trả bảo hiểm y tế (có giới hạn tỉ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của bộ trưởng Bộ Y tế);

Hoặc đơn giản hơn, tại ứng dụng VssID, người tham gia bảo hiểm có thể truy cập vào mục thẻ bảo hiểm y tế. Tại đây, sẽ hiển thị đầy đủ thông tin quyền lợi của người tham gia bảo hiểm khi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Cung cấp thông tin về mã cơ sở khám chữa bệnh

Ngoài ra, thẻ BHYT cũng cung cấp thông tin về mã cơ sở khám chữa bệnh BHYT do người tham gia BHYT đăng ký; mã nơi đối tượng sinh sống, gồm 2 ký tự ký hiệu vừa bằng chữ vừa bằng số (K1, K2, K3). Cụ thể như sau:

– Ký hiệu K1 là mã nơi người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT, đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn theo quy định của pháp luật.

– Ký hiệu K2 là mã nơi người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT, đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.

– Ký hiệu K3 là mã nơi người tham gia BHYT đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo theo quy định của pháp luật.

Các dãy số còn lại được sắp xếp ngẫu nhiên, để nhận biết cá nhân, phân biệt các cá nhân tham gia BHYT. Mỗi dãy số sẽ chỉ dành cho 1 cá nhân duy nhất.

Cùng ngày, báo Tuổi Trẻ đăng tải bài viết với tiêu đề “Người tham gia bảo hiểm y tế sẽ được hoàn trả tiền khi nào?”. Nội dung như sau:
bảo hiểm y tế - Ảnh 1.

Người dân xuất trình thẻ bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh – Ảnh minh họa: NAM TRẦN

3 trường hợp được hoàn tiền bảo hiểm y tế

Theo quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, có 3 trường hợp những người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ được hoàn tiền.

Trường hợp 1: Người tham gia được cấp thẻ BHYT theo nhóm đối tượng mới, nay báo giảm giá trị sử dụng thẻ đã cấp trước đó

Điều kiện để được hoàn trả tiền BHYT là người dân sau đó được cấp thẻ BHYT theo một nhóm đối tượng khác.

Ví dụ: Khi người thuộc hộ gia đình tham gia BHYT hộ gia đình, sau đó được nhận vào làm tại một công ty và được cấp thẻ BHYT do công ty đóng. Trong trường hợp này, thẻ BHYT hộ gia đình đã đóng trước đó sẽ bị giảm giá trị sử dụng (do thẻ BHYT theo đối tượng mới có thứ tự ưu tiên cao hơn). Lúc này người dân được hoàn lại số tiền đã đóng cho thời gian chưa sử dụng.

Trường hợp 2: Được ngân sách nhà nước điều chỉnh tăng hỗ trợ mức đóng BHYT

Trường hợp được hoàn tiền BHYT khi chính sách thay đổi và một nhóm đối tượng nào đó được hưởng mức hỗ trợ đóng BHYT cao hơn so với trước đây.

Trường hợp 3: Người tham gia bị chết trước khi thẻ BHYT có giá trị sử dụng

Trong trường hợp người mua thẻ BHYT nhưng qua đời trước khi thẻ có hiệu lực, gia đình người đã mất sẽ được hoàn lại toàn bộ số tiền đã đóng cho thẻ BHYT chưa sử dụng.

Đối tượng tham gia BHYT

Theo Luật BHYT 2024 có hiệu lực từ ngày 1-7, có 5 nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế,

Thứ nhất: Nhóm do người sử dụng lao động đóng hoặc người lao động đóng hoặc cùng đóng.

Thứ hai: Nhóm do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng.

Thứ ba: Nhóm do ngân sách nhà nước đóng.

Trong nhóm này bổ sung thêm 4 đối tượng gồm dân quân thường trực; người từ 75 tuổi trở lên và người 70-75 tuổi thuộc hộ cận nghèo hưởng trợ cấp tuất hằng tháng; người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng; người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Thứ tư: Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng.

Ngoài đối tượng theo quy định cũ, Luật BHYT mới bổ sung hỗ trợ mức đóng cho nhân viên y tế thôn, bản; cô đỡ thôn, bản; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố theo quy định của pháp luật; người được tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú và nạn nhân theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011.

Thứ năm: Nhóm tự đóng bảo hiểm y tế.

Trước đây là nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình. Theo Luật BHYT sửa đổi, bổ sung nhóm tự đóng BHYT bao gồm người thuộc hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình; người sinh sống và làm việc, người được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các tổ chức, cơ sở từ thiện, tôn giáo; người lao động trong thời gian nghỉ không hưởng lương hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động…

Theo đó tùy thuộc ưu tiên theo hướng dẫn của luật, người tham gia BHYT được lựa chọn mức đóng phù hợp.

Nguyên tắc tính toán số tiền hoàn trả

Theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đối với 3 trường hợp trên, số tiền hoàn trả tính theo mức đóng BHYT và thời gian đã đóng tiền nhưng chưa sử dụng thẻ. Cụ thể:

Trường hợp 1: Thời gian chưa sử dụng thẻ tính từ thời điểm thẻ BHYT theo nhóm đối tượng mới có hiệu lực.

Trường hợp 2: Thời gian chưa sử dụng thẻ tính từ thời điểm quyết định điều chỉnh tăng mức hỗ trợ có hiệu lực.

Trường hợp 3: Thời gian chưa sử dụng thẻ tính từ thời điểm thẻ BHYT bắt đầu có giá trị sử dụng.

Để được hoàn tiền đóng BHYT, người tham gia cần thực hiện các bước theo quy định:

Bước 1: Lập, nộp hồ sơ gửi cơ quan bảo hiểm xã hội. Người tham gia lập tờ khai TK1-TS.

Trong trường hợp người tham gia BHYT chết,  thân nhân người đó sẽ lập tờ khai TK1-TS.

Bước 2: Hồ sơ sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội tiếp nhận.

Bước 3: Kết quả đã giải quyết sẽ được gửi đến người tham gia.

Hồ sơ của người tham gia có thể được cơ quan bảo hiểm xã hội tiếp nhận dưới nhiều hình thức khác nhau. Người tham gia có thể không phải đến trực tiếp mà thực hiện nộp hồ sơ online thông qua Cổng dịch vụ công của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoặc qua tổ chức I-VAN.

Ngoài ra người tham gia có thể gửi hồ sơ giấy thông qua bưu chính hoặc nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ của cơ quan bảo hiểm xã hội nơi quản lý, hoặc tại trung tâm phục vụ hành chính công các cấp.