Theo TS. Nguyễn Văn Đính, mỗi khi xuất hiện thông tin về quy hoạch mới, giá đất ở khu vực liên quan thường tăng mạnh trong ngắn hạn nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Dự báo về giá đất sau khi sáp nhập tỉnh, thành

Giá đất không phải là một con số cố định mà được xác định dựa trên khu vực, vị trí cũng như các yếu tố quy hoạch, hạ tầng. Ảnh: Phan Anh
Sáp nhập tỉnh thành ảnh hưởng thế nào đến giá đất?

Theo khoản 2 Điều 159 Luật Đất đai 2024 quy định: Bảng giá đất được xây dựng theo khu vực, vị trí. Đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất thì xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn.

Quy định này cho thấy, giá đất không phải là một con số cố định mà được xác định dựa trên khu vực, vị trí cũng như các yếu tố quy hoạch, hạ tầng.

Do đó, khi có sự thay đổi lớn về mặt hành chính như sáp nhập tỉnh hoặc nâng cấp huyện lên thành phố, bảng giá đất tại khu vực bị tác động cũng sẽ có sự điều chỉnh.

Trong nhiều trường hợp, giá trị bất động sản thường có xu hướng tăng theo nhờ kỳ vọng về hạ tầng và sự phát triển đô thị. Chính điều này đã thu hút sự quan tâm của giới đầu tư, tạo ra làn sóng đón đầu xu hướng ngay từ khi thông tin sáp nhập mới chỉ là định hướng.

Theo TS. Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), nhận định diễn biến tăng giá đất theo biến động quy hoạch không mới với thị trường bất động sản Việt Nam. Lịch sử cho thấy, mỗi khi xuất hiện thông tin về quy hoạch mới, giá đất ở khu vực liên quan thường tăng mạnh trong ngắn hạn. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) của nhà đầu tư.

Theo ông Đính, việc sáp nhập các tỉnh, thành sẽ có tác động tích cực tới thị trường bất động sản, có thể hỗ trợ giảm bớt một số thủ tục pháp lý thực hiện dự án, giúp thị trường có thêm nguồn cung, nhất là ở phân khúc nhà ở vừa túi tiền. Người dân sẽ có thêm nhiều lựa chọn mua nhà với mức giá hợp lý hơn.

Tuy nhiên, giá trị bất động sản muốn tăng lên một cách bền vững cần có nền tảng, nghĩa là phải có sự phát triển đồng bộ về hạ tầng giao thông, kinh tế xã hội. Nếu chỉ tăng theo thông tin đồn đoán về hạ tầng, quy hoạch rất dễ rủi ro chôn vốn, thua lỗ.

Nguyên tắc và căn cứ định giá đất năm 2025 tác động thế nào tới thị trường bất động sản?

Điều 158 Luật Đất đai 2024 quy định, việc định giá đất phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

– Phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường; tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất;

– Bảo đảm trung thực, khách quan, công khai, minh bạch;

– Bảo đảm tính độc lập giữa tổ chức tư vấn xác định giá đất, Hội đồng thẩm định bảng giá đất, Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể và cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định giá đất;

– Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.

* Căn cứ định giá đất bao gồm:

– Mục đích sử dụng đất được đưa ra định giá;

– Thời hạn sử dụng đất. Đối với đất nông nghiệp đã được Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân theo hạn mức giao đất nông nghiệp, đất nông nghiệp trong hạn mức nhận chuyển quyền thì không căn cứ vào thời hạn sử dụng đất;

– Thông tin đầu vào để định giá đất theo các phương pháp định giá đất;

– Yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất;

– Quy định của pháp luật có liên quan tại thời điểm định giá đất.

Như vậy, có thể thấy Điều 158 Luật Đất đai 2024 đặt ra những nguyên tắc chặt chẽ về việc định giá đất, trong đó nhấn mạnh tính minh bạch, khách quan và phù hợp với nguyên tắc thị trường.

Dưới tác động của Luật Đất đai 2024, giá đất tại các khu vực có sự thay đổi về hành chính do sáp nhập tỉnh chắc chắn sẽ có sự biến động. Tuy nhiên, mức tăng chắc chắn sẽ không đồng đều và sẽ phụ thuộc vào chính sách phát triển hạ tầng cũng như sự minh bạch trong định giá đất.

Theo các chuyên gia, nhà đầu tư và người dân cần giữ vững tâm lý, theo dõi sát các thông tin quy hoạch từ cơ quan chức năng để có quyết định phù hợp, tránh rủi ro từ các cơn sốt đất ảo.