Từ ngày 22.4, nhiều quy định mới về chế độ làm việc của giáo viên theo Thông tư số 05/2025/TT-BGDĐT chính thức có hiệu lực. Nhiều người bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi và kỳ vọng thông tư góp phần giảm áp lực, đảm bảo quyền lợi của đội ngũ nhà giáo.

Giáo viên phấn khởi với nhiều quy định mới về chế độ làm việcLoạt chính sách mới về chế độ làm việc của giáo viên đã có hiệu lực. Ảnh: Trang Hà
Giảm áp lực – tăng chất lượng

Theo nhiều giáo viên, việc ban hành Thông tư 05 là một bước điều chỉnh cần thiết và kịp thời, thể hiện sự lắng nghe và chia sẻ của Bộ Giáo dục và Đào tạo với đội ngũ giáo viên trên cả nước. Điểm đáng chú ý của Thông tư là việc giảm định mức tiết dạy. Trong đó, giáo viên chủ nhiệm lớp ở các trường phổ thông được giảm 4 tiết/tuần. Tổ trưởng tổ chuyên môn hoặc tổ trưởng tổ bộ môn được giảm 3 tiết/tuần.

Chia sẻ với Báo Lao Động, cô Nguyễn Thanh Huyền – giáo viên Trường Tiểu học Nghi Kim (Nghệ An) bày tỏ sự phấn khởi. Theo nữ giáo viên, quy định mới đã tạo điều kiện làm việc lý tưởng cho các thầy cô giáo, tạo tiền đề cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy. Đặc biệt, việc giảm định mức tiết dạy giúp giảm áp lực và tăng chất lượng các giờ lên lớp.

“Bước đầu triển khai nên còn bỡ ngỡ trong việc điều chỉnh thời khóa biểu sao cho phù hợp với quy định mới. Tuy nhiên, ban giám hiệu nhà trường rất chủ động, tổ chức các cuộc họp chuyên môn, lấy ý kiến giáo viên, đồng thời hỗ trợ trong việc tính toán giờ dạy, bảo đảm tất cả giáo viên đều được hưởng quyền lợi đúng theo thông tư” cô Huyền chia sẻ.

Cùng công tác trong ngành giáo dục, cô Trần Thị Thơ – Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) đồng tình với thông tư 05/2025/TT-BGDĐT. Cô Thơ cho rằng, việc giảm bớt khối lượng và tiết dạy giúp giáo viên có thêm thời gian để chuẩn bị bài giảng kỹ lưỡng hơn, đồng thời tăng chất lượng thời gian đứng lớp.

“Thông tư 05 đã có những điều chỉnh rất cụ thể và hợp lý về số tiết dạy trong tuần, số tuần làm việc trong năm cũng như số lượng công việc kiêm nhiệm của giáo viên. Đây thực sự là sự giảm tải rõ ràng cả về thời gian lẫn khối lượng công việc. Tôi thấy những điều chỉnh mới của thông tư là phù hợp với đặc thù nghề nghiệp và khối lượng công việc thực tế của giáo viên hiện nay”, cô Thơ nói.

Giáo viên không còn “gánh” nhiều việc kiêm nhiệm

Thông tư số 05/2025/TT-BGDĐT quy định mỗi giáo viên không kiêm nhiệm quá 2 nhiệm vụ (bao gồm cả việc kiêm nhiệm công việc chuyên môn, công tác Đảng, đoàn thể, các tổ chức khác và một số vị trí việc làm khác).

Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia giáo dục TS Vũ Thu Hương – nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội – cho rằng, đây thực sự là một thay đổi tích cực. Giáo viên nhiều năm nay vừa dạy học, vừa lo hồ sơ, làm chủ nhiệm, công tác Đội, các hoạt động ngoài giờ, đôi khi quá tải đến mức không còn thời gian chuẩn bị bài. Việc giảm tiết dạy cho người kiêm nhiệm là hoàn toàn hợp lý, giúp giáo viên có thêm thời gian để đầu tư vào bài giảng, theo dõi học sinh sát sao hơn và nâng cao chất lượng giáo dục.

“Khi khối lượng công việc hợp lý hơn, giáo viên có thể đổi mới phương pháp, điều chỉnh nội dung phù hợp với từng đối tượng học sinh. Dạy học như vậy mới thực sự hiệu quả” – TS Vũ Thu Hương nói.Đồng thời, chuyên gia giáo dục cũng bày

tỏ sự lo ngại việc giảm giờ dạy có thể dẫn đến tình trạng một số giáo viên không tận dụng hết thời gian nghỉ để phát triển. Vị này đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có những yêu cầu và điều kiện cụ thể kèm theo việc giảm tải giờ dạy, nhằm đảm bảo giáo viên vẫn thực hiện tốt và đầy đủ nhiệm vụ giảng dạy và học tập.