Lũ rút để lại cảnh hoang tàn. Người dân 2 xã Mường Xén và Mỹ Lý, tỉnh Nghệ An vất vả dọn dẹp bùn đất, rác rưởi. Nhiều gia đình đã trắng tay sau lũ.

Trung tâm xã Mường Xén (thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn cũ), tỉnh Nghệ An thời điểm nước sông Nậm Mộ dâng cao.

Đến nay khi nước rút, khắp các bản làng ngổn ngang, hoang tàn; bùn đất, rác thải, cây cối trôi dạt từ thượng nguồn về chất đống khắp đường làng, ngõ bản và hai bên quốc lộ 7.

Bùn đất lấp trong nhà dân dày hơn 50cm, nhấn lút cả nửa bánh xe.

Bùn đất và rác thải trong sân nhà dân ở xã Mường Xén.

Núi rác chất chồng khiến người dân xã Mường Xén gặp rất nhiều khó khăn trong việc dọn dẹp.

Bùn đất dày cả mét tràn vào trong phòng ngủ nhà dân.

Lũ rút để lại một lượng bùn lớn, vùi lấp và làm hư hỏng nhiều vật dụng.

Máy móc được huy động để dọn dẹp lượng bùn đất “khổng lồ” ở khu vực trung tâm xã Mường Xén.

Người dân mệt mỏi và “bất lực” nhìn đống bùn, rác lấp kín trong nhà.

Sau hơn hai ngày mưa lũ dồn dập, xã vùng cao Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn cũ), tỉnh Nghệ An, cũng bị tàn phá tan hoang khi nhà cửa đổ sập, tài sản trôi sạch, người dân rơi vào cảnh trắng tay. Điểm lũ xã Mỹ Lý cách xã Mường Xén khoảng 100km.

Chiều 23/7, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lương Văn Bảy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý, không giấu được sự xót xa khi nói về mức độ tàn phá nặng nề của trận lũ tối 22/7.

“Có những nơi nước lũ dâng cao tới 10m, nhấn chìm nhiều ngôi nhà, tài sản. Cảnh tượng chưa từng thấy trong suốt nhiều năm qua. Thiệt hại rất lớn”, ông Bảy nói.

Ghi nhận tại các bản như Xiềng Tắm, Cha Nga, Hòa Lý…, nơi từng là những mái làng yên bình, nay ngổn ngang bùn đất, cây gãy và nhà đổ nát.

Hàng trăm ngôi nhà bị nước tràn vào, nhiều hộ mất sạch tài sản tích cóp cả đời. Tài sản trôi sạch theo dòng nước lũ.

Nhiều nhà dân sau lũ rút nằm chênh vênh bên dòng sông, có thể đổ sụp bất cứ lúc nào.

Khi nước lũ rút, thì một khối lượng khổng lồ bùn đất, gỗ rác, xác động vật và mùi hôi thối bao phủ khắp các bản làng. Hệ thống giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, y tế đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Một ngôi nhà ở Mỹ Lý tan hoang sau thiên tai.

Hiện chính quyền địa phương khẩn trương huy động các lực lượng theo phương châm “4 tại chỗ” để giúp người dân khắc phục hậu quả, từng bước ổn định lại cuộc sống.

“Người dân Mỹ Lý đã quen gian khó, nhưng trận lũ này thực sự vượt quá sức chịu đựng. Chúng tôi rất cần sự chung tay, hỗ trợ từ cấp trên và các tổ chức thiện nguyện”, ông Bảy chia sẻ.

Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú, tiểu học Mỹ Lý 2 (Trường Mỹ Lý 2), toàn bộ dãy nhà cấp 4 bị nước ngập lút, khu nhà tầng cũng bị nước tràn lên tận tầng hai.

Hơn 20 máy tính, tủ lạnh, ti vi, gần 2 tấn gạo dự trữ cho học sinh bán trú cùng toàn bộ sách vở, dụng cụ học tập đều bị nhấn chìm trong nước lũ.

Trong ảnh, Trường Mỹ Lý 2 trong cơn lũ dữ.

Vị trí xã Mường Xén và xã Mỹ Lý (điểm khoanh viền cam) – hai xã ở Nghệ An vừa gánh chịu trận lũ dữ gây thiệt hại nặng nề – nhìn trên Google Maps.

Nghệ An: 2 người chết, hơn 3.200 căn nhà ngập sau bão 3

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, tính đến 9h ngày 23/7, trên địa bàn ghi nhận 2 trường hợp tử vong do ảnh hưởng cơn bão số 3 và mưa, lũ hoàn lưu bão.

Mưa lũ cũng khiến 4 người dân tại các xã Yên Thành, Nghĩa Đàn, Nậm Cắn bị thương.

Thống kê chưa đầy đủ, tỉnh Nghệ An ghi nhận 417 nhà ở bị thiệt hại, 3.237 nhà ở bị ngập nước, tâm trung chủ yếu ở các xã Tương Dương, Mường Xén, Con Cuông, Tam Quang…

13 xã có thôn, bản bị cô lập, chia cắt, mất điện hoàn toàn.

Tỉnh Nghệ An cũng ghi nhận thiệt hại lớn về sản xuất nông – ngư nghiệp, hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, trường học…

Đến chiều 23/7, nhiều địa bàn đã ngừng mưa, nước lũ đang rút dần. Tuy nhiên, tỉnh Nghệ An yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai kịp thời công tác ứng phó với bão, mưa lũ do hoàn lưu bão với tinh thần khẩn trương nhất, quyết liệt nhất.

Các địa phương tiếp tục rà soát các khu dân cư, tổ chức sơ tán người dân ra khỏi các nhà yếu không đảm bảo an toàn, khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập sâu.