Dầu ăn giả không đơn thuần là hành vi gian lận thương mại, mà là một “cuộc tấn công âm thầm” vào niềm tin xã hội, sự an toàn tối thiểu trong bữa ăn người dân.

Đằng sau chai dầu ăn giả Ofood là một hệ thống hợp thức hóa, gian lận tinh viDầu ăn giả Ofood trước đó vẫn được bày bán tại các cửa hàng trong các chợ truyền thống. Ảnh: Quỳnh Trang
Không chỉ là gian lận thương mại

Theo thông tin được Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đăng tải tối 24.6, loại dầu ăn mang nhãn hiệu Ofood do Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nhật Minh Food sản xuất vốn được quảng cáo là dầu thực phẩm bổ sung vitamin A, thực chất lại không chứa bất kỳ loại vi chất nào như công bố.

Đáng lo ngại hơn, sản phẩm này còn không đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và thực chất chỉ là dầu công nghiệp dùng trong chế biến thức ăn chăn nuôi.
Dầu đậu nành Ofood của Công ty Nhật Minh Food sử dụng dầu ăn dành cho thức ăn chăn nuôi chế biến thành dầu ăn cho người. Ảnh: Quỳnh TrangDầu đậu nành Ofood của Công ty Nhật Minh Food sử dụng dầu ăn dành cho thức ăn chăn nuôi chế biến thành dầu ăn cho người. Ảnh: Quỳnh Trang
Vụ việc càng trở nên nghiêm trọng khi cơ quan chức năng phát hiện một đường dây có tổ chức với phương thức, thủ đoạn tinh vi.

Theo đó, các đối tượng sử dụng đường ống ngầm để bơm dầu từ kho chứa nguyên liệu dành cho sản xuất thức ăn chăn nuôi sang hệ thống bồn chứa phục vụ đóng gói. Họ thành lập hàng loạt công ty bình phong, làm giả hồ sơ công bố sản phẩm để hợp pháp hóa hàng hóa, sau đó tuồn ra thị trường tiêu thụ trên quy mô lớn.

Điểm đặc biệt nguy hiểm là hệ thống phân phối không đi qua các kênh bán lẻ có kiểm soát, mà tập trung vào bếp ăn công nghiệp, nhà hàng và các làng nghề sản xuất thực phẩm ăn vặt như bim bim, snack… – những nơi người tiêu dùng gần như không thể kiểm soát được nguồn gốc nguyên liệu.
Trước đó, tại chợ đầu mối Minh Khai tình trạng buôn bán dầu ăn giá rẻ – trong đó có thương hiệu Ofood – vẫn âm thầm diễn ra. Ảnh: Quỳnh TrangTrước đó, tại chợ đầu mối Minh Khai, tình trạng buôn bán dầu ăn giá rẻ, trong đó có thương hiệu Ofood, vẫn âm thầm diễn ra. Ảnh: Quỳnh Trang
Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Hoàng Văn Hà (Công ty Luật ARC Hà Nội) khẳng định: Hành vi sản xuất, buôn bán dầu ăn giả không chỉ vi phạm nghiêm trọng đạo đức kinh doanh mà còn xâm phạm trực tiếp đến các quy định pháp luật hiện hành, đủ yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm có thể bị phạt tù từ 5 đến 12 năm, nếu thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng hoặc giá trị hàng hóa từ 100 triệu đồng trở lên.

Trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng, mức hình phạt có thể lên đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Nếu có đủ căn cứ chứng minh sản phẩm này gây tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng, các bị can còn có thể bị truy tố thêm theo Điều 317 Bộ luật Hình sự, về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.