Sự cố xảy ra trên chuyến bay của hãng Spring Japan khởi hành từ Trung Quốc đến Nhật Bản. Chiếc máy bay Boeing 737-800 đột ngột hạ độ cao trong 10 phút.

Máy bay Boeing đột ngột hạ độ cao 7.000 mét, hành khách hoảng loạnHành khách cho biết mặt nạ dưỡng khí đã rơi ra khi chuyến bay của Spring Japan từ Thượng Hải đến Tokyo khi máy bay hạ độ cao đột ngột. Ảnh: Weibo
Chuyến bay của Spring Japan khởi hành từ Thượng Hải đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống Osaka vào thứ Hai 30.6 (giờ địa phương) sau khi hệ thống cảnh báo giảm áp suất khoang hành khách được kích hoạt, theo Asia One.

Hình ảnh và video được chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc Xiaohongshu cho thấy mặt nạ dưỡng khí rơi xuống trong khoang hành khách của chuyến bay mang mã liên danh JL8696/IJ004, trong hành trình từ Thượng Hải tới Tokyo.

Máy bay đã hạ độ cao khẩn cấp từ 11.000 mét xuống còn khoảng 3.200 mét chỉ trong vòng 10 phút. Sau đó, phi công chuyển hướng, hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Kansai, Osaka.

Một người dùng có mặt trên chuyến bay cho biết đã nghe thấy một tiếng “bụp” vài giây trước khi mặt nạ rơi xuống. Ngay sau đó, một tiếp viên yêu cầu mọi người đeo mặt nạ dưỡng khí.

Một hành khách khác cho biết họ được thông báo thắt dây an toàn và được cơ trưởng thông báo rằng máy bay sẽ hạ cánh khẩn cấp.

Hãng tin Kyodo News (Nhật Bản) đưa tin máy bay đã hạ cánh an toàn tại sân bay Kansai vào khoảng 20h50 cùng ngày (giờ địa phương).

Theo thông tin từ Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản cùng các cơ quan liên quan của Nhật Bản, máy bay đã phát cảnh báo “sự cố hệ thống điều áp”.

Có 191 hành khách và thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay, không ghi nhận trường hợp nào bị thương hay gặp vấn đề sức khỏe.

Japan Airlines đã xác nhận với Global Times vào ngày thứ Ba rằng chiếc máy bay gặp sự cố thuộc sở hữu của Spring Airlines Japan. Hãng đang điều tra nguyên nhân cụ thể của sự cố này.

Hãng hàng không đã hỗ trợ 15.000 yên (khoảng 93 USD) chi phí đi lại và cung cấp một đêm lưu trú cho hành khách, theo chia sẻ của một hành khách.

Mặc dù mang thương hiệu “Spring Airlines”, chuyến bay nói trên không do hãng Spring Airlines của Trung Quốc (mã 9C) vận hành, mà thuộc quản lý của Spring Airlines Japan (mã chuyến bay IJ) tại Nhật Bản.

Hai hãng liên kết về vốn nhưng hoạt động theo các khung pháp lý và quy định riêng biệt.

Spring Japan, trước đây là Spring Airlines Japan, được thành lập năm 2012. Hãng hoạt động như một hãng hàng không giá rẻ, đồng sở hữu bởi Spring Airlines Trung Quốc và Japan Airlines (JAL).

Sau sự cố, Spring Airlines Trung Quốc nhanh chóng xác nhận các chuyến bay mang mã 9C của mình vẫn hoạt động bình thường.

Tuy nhiên, nhiều hành khách và công chúng vẫn dễ nhầm lẫn giữa Spring Airlines và Spring Japan.

Chuyến bay IJ004 gặp sự cố trên hành trình từ Thượng Hải (sân bay Phố Đông) đến Tokyo (sân bay Narita) là một trong những đường bay quốc tế bận rộn nhất giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Dữ liệu cho thấy trong năm 2024, riêng tuyến này có hơn 20 chuyến khứ hồi mỗi ngày.

Chiếc máy bay gặp sự cố là Boeing 737-8AL (biến thể tùy chỉnh của dòng 737-800), với tuổi khai thác trung bình 7,2 năm, đã thực hiện 28 chuyến bay trong 30 ngày gần nhất.

Kể từ sau bê bối đình chỉ dòng Boeing 737 MAX, niềm tin của hành khách vào độ an toàn của các dòng máy bay Boeing bị ảnh hưởng đáng kể.

Dòng 737-800 vẫn là mẫu được khai thác nhiều nhất trong gia đình Boeing 737, với hơn 5.000 chiếc đang hoạt động trên toàn cầu, phần lớn là tại các hãng hàng không giá rẻ.

Trong những năm gần đây, dòng 737 thường xuyên bị chú ý liên quan đến các lo ngại an toàn. Các hãng như United Airlines, Jetstar Australia từng ghi nhận sự cố mất áp suất khoang, buộc phải hạ độ cao khẩn cấp.